Quán bánh đúc nóng nằm sâu trong khu tập thể, bán 30 năm giá vẫn rẻ
(Dân trí) - Quán bánh đúc gần 30 năm tuổi ở khu tập thể cũ ngõ Trung Tự, (Đống Đa, Hà Nội) được nhiều thực khách ưa thích.
15 năm trước, Thùy Anh (Đống Đa, Hà Nội) đã là "khách ruột" của quán bánh đúc nóng bà Minh - nằm sâu trong khu tập thể cũ ở Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội).
Khi ấy, quán chỉ gồm vài chiếc bàn ghế gỗ, một nồi bánh đúc nóng hổi, ít bát đũa đơn giản. "Bây giờ quán nhìn khang trang hơn nhiều và cũng nổi tiếng hơn trên mạng xã hội. Bánh đúc nóng cô Minh thành bánh đúc nóng "triệu view Tiktok" rồi nhưng hương vị vẫn không hề thay đổi ", Thùy Anh chia sẻ.
Quán bánh đúc của bà Tuyết Minh (63 tuổi) đã xuất hiện gần 30 năm. Vào mỗi buổi trưa hay xế chiều, xe máy của khách đến quán xếp hàng dài trong con ngõ nhỏ.
Bánh đúc là món quà chiều đơn giản, dân dã, giá rẻ, làm ấm bụng thực khách giữa ngày đông lạnh.
Mẹ chồng bà Minh vốn là người nấu bánh đúc ngon có tiếng. Sau này, bà Minh được chỉ dạy kinh nghiệm rồi mở bán ở khu cảng Phà Đen, gần chân cầu Vĩnh Tuy. Mãi sau này, bà Minh chuyển quán về khu tập thể Trung Tự.
Trải qua thời gian gần 30 năm, từ những ngày bát bánh đúc giá chỉ trăm đồng rồi đến vài chục nghìn đồng, nhưng hương vị và cách nấu của bà Minh vẫn không thay đổi.
Bánh đúc nóng được bà Minh trộn lẫn hai loại bột là bột gạo tẻ và bột năng, với tỉ lệ phù hợp để phần bột được dẻo dai và không nồng gắt. Sau bước trộn bột là lọc các phần vón cục. Bước nhỏ này nhất định không thể thiếu vì phải lọc thật kỹ thì khi quấy bánh mới trong, mềm, dẻo và không có mùi bột khô vương lại.
"Phần khó nhất chính là khuấy bột. Tôi phải khuấy đều, liên tục trên lửa vừa cho đến khi bột bắt đầu đặc sệt lại thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục khuấy để tránh bột dưới đáy nồi bị cháy. Mỗi người nấu có tay khuấy nhanh, chậm khác nhau cũng cho ra chất lượng bánh khác nhau. Một nồi bánh đúc đạt tiêu chuẩn sẽ thơm mùi gạo mới, không khê, không vón cục hay bén nồi", bà Minh chia sẻ.
Mỗi bát bánh đúc nóng sẽ có thêm thìa thịt băm xào với mộc nhĩ, thịt là phần nạc không hoặc có ít dăm mỡ, xào thơm. Nếu ăn được cay, thực khách có thể thêm vài miếng ớt để cảm nhận được trọn vẹn hơn vị mặn, ngọt, thơm, cay của món bánh dễ gây nghiện này.
Theo bà Minh nước dùng ăn kèm bánh đúc được nấu từ xương và thêm nước mắm chua ngọt. Nước dùng chan xâm xấp mặt bánh nhưng phải đảm bảo còn nóng để bánh không bị vón cục.
Bà Minh bán bánh đúc nóng có hai mức giá, bát nhỏ 20.000 đồng và bát to 25.000 đồng. Quán mở cửa từ 10h đến 20h, nhưng khung giờ cao điểm đông nhất là từ 12 đến 13h và từ 16 đến 18h.
Chị Quang (Đống Đa, Hà Nội) là một thực khách quen của quán chia sẻ: "Những ngày Hà Nội se lạnh, mỗi khi chiều về tôi thường nhớ tới món bánh đúc thơm mùi hành phi, béo ngậy của thịt lợn xay. Bánh đúc ở đây ăn khá vừa miệng, nhưng nếu lúc chiều đến, đông khách, phải đợi lâu một chút".
"Bánh đúc ở đây dẻo quánh, chìm trong lớp nước chan đậm đà. Nhân bánh gồm thịt băm xào cùng mộc nhĩ, nấm hương thêm chút rau mùi thái nhỏ, hành phi thơm phức", bạn Trần Tú (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài ra, bà Minh còn bán thêm một số món chè như đỗ xanh, đỗ đen, chè lẫn, giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng.