Phó Thủ tướng "chỉ tên" 7 nỗi sợ khiến khách quốc tế "một đi không trở lại"

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, 70% du khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh và sợ ô nhiễm môi trường.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 9/8 tại TP Hội An, một “Hội nghị Diên Hồng” về du lịch đã diễn ra do Chính phủ tổ chức đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực tham dự. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành có ngành du lịch phát triển như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lào Cai… đều có những đề xuất quan trọng nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và của cả nước.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch TP Hà Nội – cho rằng, chiến lược xúc tiến du lịch hiện nay của nước ta chưa phù hợp, nhiều địa phương không xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với những thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong phát triển du lịch còn yếu kém.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho hay, du lịch TP Hà Nội cần phải tạo ra môi trường trong sạch để giữ chân du khách. Để làm được điều này, TP Hà Nội đã xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng mời 1.500 giáo sư đầu ngành về “nội soi” ngành du lịch để du khách quay trở lại.

Còn Chủ tịch TPHCM – ông Nguyễn Thành Phong – thì cho rằng, hiệu quả kinh tế của ngành du lịch địa phương chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của TP. Quản lý nhà nước về du lịch không ngừng được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là du khách quốc tế.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu – chia sẻ về việc người dân làm du lịch ở Hội An, đó là du lịch cộng đồng. Hiện nay, mô hình này rất thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. Do đó, số du khách nước ngoài quay lại Hội An chiếm 60%.

“Hội nghị Diên Hồng” về phát triển du lịch Việt Nam thu hút sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp
“Hội nghị Diên Hồng” về phát triển du lịch Việt Nam thu hút sự quan tâm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ (Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch Hòa Bình), cho rằng hiện hoạt động lữ hành đưa đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc nhất là ở TP Đà Nẵng và Nha Trang rất lộn xộn. Tình trạng các công ty trong nước cho các công ty nước ngoài núp bóng để đưa khách vào Việt Nam với giá rẻ, phá giá khiến những công ty làm ăn chân chính chịu thiệt và bức xúc.

Đại diện Tập đoàn Tuần Châu nhấn mạnh muốn phát triển thì con người là rất quan trọng. Vì thế, cần thành lập Bộ Du lịch. Nhiều doanh nghiệp trong ngành bày tỏ mong muốn có sự thống nhất, tập trung trong phối hợp tổ chức thực hiện chiến lược quảng bá dài hạn dưới thương hiệu chung của du lịch Việt Nam.

Các ý kiến của lãnh đạo các tỉnh thành và doanh nghiệp đóng góp tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để Bộ VH-TT&DL hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng du lịch Việt Nam phát triển nhanh theo nhiều tiêu chí, đóng góp nhiều cho đất nước về tổng thu GDP, giải quyết việc làm, lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngành này còn tiếp tục phát triển với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam đang rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN và 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh và sợ ô nhiễm môi trường. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị tái cơ cấu mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam hiện nay.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành theo các quy luật của kinh tế thị trường chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.

Đối với công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vấn đề không phải là do thiếu tiền mà quan trọng là thiếu ý tưởng. “Việc Tổng cục Du lịch mới đây làm một video dài 7 phút quay bằng flycam với 9 thứ tiếng đã tác động rất mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Theo báo cáo năng lực canh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF năm 2015), Việt Nam xếp thứ 75/141 nền kinh tế được đánh giá. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore (hạng 11), Malaysia (hạng 25), Thái Lan (hạng 35), Indonesia (hạng 50), Philippines (hạng 74) và chỉ xếp trên các nước Lào (hạng 96), Campuchia (hạng 105) và Myanmar (hạng 134).

So với các yếu tố trụ cột của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, bao gồm môi trường hỗ trợ (hạng 73), cơ sở hạ tầng (hạng 94) và tài nguyên văn hóa và tự nhiên (hạng 33), yếu tố chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ thực thi chính sách xếp hạng thấp nhất (112), sau hầu hết các nước Singapore (hạng 1), Indonesia (hạng 9), Philippine (hạng 17), Malaysia (hạng 24), Thái Lan (hạng 49), Campuchia (hạng 64) và Lào (hạng 80).

Đáng chú ý trong các chỉ số thuộc yếu tố chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ, một số chỉ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, bao gồm mức độ ưu tiên dành cho du lịch, Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong số các nước ASEAN (hạng 119), sau nước đứng trên gần nhất là Myanmar (hạng 108); mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119.

Thứ hạng về mức độ mở cửa với quốc tế của Việt Nam và yêu cầu về thị thực của Việt Nam (hạng 89 và 119) sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Myanmar (hạng 120 và 132). Việt Nam cũng xếp hạng thấp nhất về sự bền vững về môi trường (hạng 132), chỉ hơn Indonesia (hạng 134).

Công Bính