Ở vùng nước mặn nhất thế giới xác chim chết từ lâu nhưng không phân hủy

Việt Hà

(Dân trí) - Với độ mặn còn cao hơn cả Biển Chết, đây cũng là vùng nước mặn nhất thế giới tới mức chết chóc.

Nằm gần miệng núi lửa Dallol ở lòng chảo Danakil của sa mạc cùng tên tại Ethiopia là một vùng nước nhỏ với độ mặn cực cao lên tới 43%. Đây là hồ nước nhỏ có tên Gaet'ale, cũng là vùng nước mặn nhất thế giới thậm chí còn cao hơn Biển Chết.

Để dễ hình dung về độ mặn ở đây, chúng ta có thể so sánh như sau. Độ mặn trung bình ở các đại dương là 3,5%, tại Biển Chết là 33,7% còn ở hồ nước này lên tới 43%. Nước trong vũng nhỏ này bão hòa với muối sắt tới mức có cảm giác nhờn trên tay như chạm phải dầu. Bởi vậy, đôi khi người dân địa phương còn gọi đó là "hồ dầu".

Ở vùng nước mặn nhất thế giới xác chim chết từ lâu nhưng không phân hủy - 1
Vùng nước mặn nhất thế giới có nhiệt độ trung bình của nước dao động từ 50 đến 55 độ C (Ảnh cắt từ clip).

Hồ Gaet'ale còn có tên gọi khác là "hồ tử thần" vì lượng khí độc thải qua bề mặt nước khiến bất cứ sinh vật nào khi tới gần cũng gặp nguy hiểm. Thậm chí, xác chim và côn trùng còn giữ nguyên trạng thái như lúc vừa chết ở bên hồ do độ mặn quá cao.

Chính sự nguy hiểm này nên các chuyên gia đã cảnh báo du khách cần thận trọng khi khám phá khu vực xung quanh "hồ dầu" và những nơi lân cận. Mức độ khí độc rất có thể là CO2 được tạo ra từ núi lửa đôi khi đủ nhiều để khiến người trưởng thành tử vong, đặc biệt nơi gần bề mặt với lượng khí có xu hướng tích tụ.

Hàng chục xác chim được giới khoa học quan sát thực hiện trong một nghiên cứu tại hồ Gaet'ale. Đây là một lời cảnh báo cho bất cứ ai muốn tiến lại gần. Dù những con chim có thể chết vì uống phải thứ nước muối sắt cực mặn, nhưng cũng nhiều khả năng chúng chết do khí CO2.

Ở vùng nước mặn nhất thế giới xác chim chết từ lâu nhưng không phân hủy - 2
Du khách không nên bơi lội ở đây vì có thể bị bỏng da (Ảnh: Odd).

Dù vậy, thứ nước mặn chết người này lại bảo quản xác động vật rất hiệu quả. Nhiều con dù đã chết khá lâu nhưng cơ thể chúng bị muối bao phủ nên vẫn giữ nguyên hình dáng gần như ban đầu.

Chưa có nghiên cứu nào xác định niên đại của hồ Gaet'ale. Theo hình ảnh của vệ tinh Landsat chụp vào tháng 2/2003, hồ tồn tại ở dạng gần giống hình bán nguyệt. Tuy nhiên trận động đất xảy ra vào năm 2005 đã kích hoạt suối núi lửa và liên tục cung cấp nguồn nước cực mặn cho hồ.

Ở vùng nước mặn nhất thế giới xác chim chết từ lâu nhưng không phân hủy

Nhiệt độ thường ở ngưỡng từ 50 đến 55 độ C, nước trong hồ Gaet'ale Pond có vẻ hấp dẫn nhưng thực ra rất chua với độ pH dao động từ 3,5 đến 4. Do đó, đây không phải nơi lý tưởng để du khách nhảy xuống bơi lội vì có thể bị bỏng.

Vốn nằm trong lòng chảo Danakil nổi tiếng của Ethiopia - nơi có cảnh quan siêu thực như ngoài hành tinh do địa chất tạo ra, nên địa danh này rất thu hút du khách mê mạo hiểm khám phá. Tuy vậy, thời tiết địa phương rất khắc nghiệt và là một trong số ít những vùng đất nóng khủng khiếp nhưng vẫn còn người sinh sống.