Nữ du khách khỏa thân tại khu vực gần lăng Tần Thủy Hoàng
(Dân trí) - Hình ảnh một nữ du khách trẻ tuổi trong tư thế không mảnh vải che thân, tươi cười tạo dáng tại khu vực gần lăng Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, Trung Quốc, khiến dư luận nước này phẫn nộ.
Ngày 12/8, người dùng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc bất ngờ với hình ảnh một nữ du khách trẻ tuổi trong trạng thái khỏa thân, tươi cười tạo dáng bên đường và ngay sát đội quân đất nung gần khu lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Ngay lập tức, hình ảnh này được lan truyền nhanh chóng với tốc độ chóng mặt.
Thậm chí, sợ người khác nghĩ đây là tấm hình ghép, chủ nhân của tài khoản nơi đăng tải tấm hình còn chú thích rất rõ địa điểm chụp tại bên trong khu lăng mộ nổi tiếng vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.
Bức hình “gây bão” nhanh chóng nhận nhiều sự chỉ trích và phẫn nộ từ phía cộng đồng mạng. Nhiều người lên tiếng, một nơi tôn nghiêm như khu lăng mộ, cần sự tôn kính từ phía khách tham quan. Hành động dung tục kể trên thể hiện sự thiếu hiểu biết cơ bản về đạo đức, văn hóa và lối sống.
Đây không phải lần đầu dư luận Trung Quốc “nổi giận” vì những hành vi kém văn minh của một bộ phận giới trẻ nước mình. Trước đó, vào tháng 4 năm nay, bộ hình cô gái khỏa thân bên hồ nước thiêng ở Tây Tạng cũng từng khiến dân mạng bất bình và nổi lên cuộc tranh cãi gay gắt.
Đội quân đất nung hay tượng binh mã là quần thể tượng người, ngựa bằng đất nung nằm gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Quần thể được phát hiện vào tháng 3/1974, gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, thuộc khu vực Tây Bắc của Trung Quốc.
Theo sử sách ghi lại, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu từ năm 246 TCN, sử dụng tới hơn 700.000 thợ thủ công trong vòng 38 năm. Vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa được chôn trong quan tài cùng nhiều châu báu quý hiếm. Lăng mộ được xây như một kim tự tháp bằng đất, cao 76m, rộng gần 350 m2. Cho đến nay, khu lăng mộ này vẫn chưa được khai quật.
Tượng binh mã được làm từ đất sét, nung trong lò nhiệt độ thấp, sau đó được phết lớp sơn bên ngoài để tăng độ bền. Khuôn mặt, kích cỡ và màu sơn của các bức tượng không tượng nào giống nhau, giống hệt đội quân thật.
Cho tới nay, hơn 8000 tượng được khai quật khỏi lòng đất. Các bức tượng người được chia thành lính bộ binh, cung thủ, tướng lĩnh trong nhiều tư thế với vũ khí sử dụng ở Trung Hoa thời đó. Ngoài tượng binh mã còn có tượng xe ngựa với kích thước và độ tinh xảo như thật. Quần thể tượng đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt, còn hầm thứ 4 là hầm trống.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và tượng binh mã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1987, được coi là một trong những điểm đến ấn tượng nhất của Trung Quốc hiện nay.
Việt Hà
Theo TH, Sin