Quảng Nam:
Những sản phẩm thủ công mang dấu ấn các làng nghề xứ Quảng
(Dân trí) - Hơn 30 bộ sản phẩm thủ công mới nhất mang đậm dấu ấn của các làng nghề trên cung đường hành trình di sản từ phố cổ Hội An đến Thánh địa Mỹ Sơn của xứ Quảng đang được trưng bày tại Hội An (Quảng Nam).
Đây là kết quả được ghi nhận sau hai năm triển khai dự án phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề Quảng Nam. Dự án do Quỹ Tín thác Hàn Quốc tài trợ thông qua UNESCO, nhằm hỗ trợ các làng nghề thủ công tại Quảng Nam, đặc biệt là các khu vực gần hai khu Di sản Thế giới Hội An và Mỹ Sơn trong việc tái định hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đồng thời củng cố các giá trị văn hóa
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ về những kết quả của dự án; đặc biệt là những sản phẩm thủ công mới của các làng nghề xứ Quảng
Trong hai năm triển khai dự án từ tháng 2/2012 tới nay, dự án tập trung vào các việc phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, những vấn đề được xác định là quan trọng nhất trong bối cảnh ngành sản xuất thủ công tại Quảng Nam.
Những kết quả khả quan cho thấy, có hơn 200 hộ sản xuất/doanh nghiệp đã được khảo sát, mang lại nhiều thông tin quan trọng về tình hình ngành sản xuất thủ công truyền thống tại Quảng Nam. Qua đó, sản phẩm thủ công mang dấu ấn của các làng nghề xứ Quảng không chỉ giữ được giá trị truyền thống và chất lượng; mà các sản phẩm cũng trở nên giá trị hơn từ việc cải thiện trong thiết kế và đóng gói bao bì.
Đã có hơn 30 bộ sản phẩm thủ công mới mang dấu ấn hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng nhưng vẫn đáp ứng các đòi hỏi của thị trường được các nghệ nhân/hộ sản xuất trong khu vực hưởng lợi từ dự án nhân rộng sản xuất.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Triển khai dự án, chúng tôi hy vọng làm sao để người dân, nghệ nhân ở các khu di sản thế giới có thể tăng thu nhập từ chính những sản phẩm mang đậm dấu ấn của làng nghề địa phương
Sau 2 năm thực hiện, chúng tôi không muốn gọi đây là một dự án mà là một sáng kiến. Theo đó các tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài nước phối hợp thực hiện, tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư ở các khu di sản thế giới. Đồng thời, thay đổi bộ mặt các sản phẩm thủ công làng nghề ở các khu di sản thế giới; thêm trải nghiệm cho khách du lịch.
Kết quả nhìn thấy là nhiều bộ sản phẩm thủ công dấu ấn đã được sản xuất. Người dân cũng được học thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý sổ sách, doanh nghiệp, sản phẩm hay là tìm hiểu thị hiếu của thị trường, tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của các làng nghề, nhìn thì biết ngay là sản phẩm này của địa phương ấy. Chúng tôi nghĩ nên chăng cần nhân rộng mô hình này ở các tỉnh, thành khác ở Việt Nam”
Dưới đây là hình ảnh những sản phẩm thủ công sáng tạo được cho là mới nhất của những làng nghề xứ Quảng, bao gồm nghề đèn lồng Hội An, nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà (Hội An) và gốm Duy Xuyên - Quảng Nam
Khánh Hiền