Người đàn ông hơn 20 năm "gọi" hàng vạn con cò về giữa lòng thành phố
(Dân trí) - Giữa cánh đồng hoang hóa, ông Hiền đắp đảo trồng tre gọi đàn cò trở về. Sau hàng chục năm, ông đã biến vùng đất hoang đó thành "tổ ấm" của hàng vạn con cò.
Hơn 20 năm qua, người dân tại thành phố Thanh Hóa đã rất đỗi quen thuộc với "đảo cò" của gia đình ông Nguyễn Trọng Hiền (54 tuổi, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Để có được "đảo cò" như ngày hôm nay, ít ai biết rằng suốt hàng chục năm qua ông Hiền đã gắn bó và bảo vệ đàn cò như những đứa con của mình.
Kể về cơ duyên đến với đàn cò, ông Hiền cho biết vào năm 1996 gia đình ông nhận hơn 4 ha đất hoang hóa để làm mô hình trang trại cá, lúa tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Khu vực đất mà ông nhận khai hoang này có tên gọi là đầm Quai Vạc đã bị hoang hóa suốt nhiều năm.
Trong một lần được các cụ cao niên kể về đầm Quai Vạc xưa kia từng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài cò, vạc. Thế nhưng, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tại đây tiến hành xây dựng sân bay Lai Thành (nằm cách đầm Quai Vạc hiện nay khoảng 500 m) thì đàn cò, vạc đã bỏ đi nơi khác.
Với hy vọng được trông thấy những con cò, con vạc xưa kia sải cánh bay lượn trên đầm Quai Vạc, ông Hiền đã nảy sinh ý định đắp đảo trồng tre "gọi" đàn cò trở về.
"Giống cò, vạc luôn nhớ về tổ tông, khi nghe các cụ kể về lịch sử của vùng đất này tôi đã nghĩ ngay đến việc sẽ tạo ra một mô hình sinh thái kết hợp với trồng lúa, nuôi cá. Và rồi tôi quyết định đắp đảo, trồng tre để "gọi" đàn cò xưa kia quay trở về", ông Hiền cho biết.
Nghĩ là làm, suốt 8 tháng ròng rã ông Hiền thuê thợ về đào đất trong khu đầm lầy rộng 4 ha rồi đắp thành một vùng đảo nhỏ. Sau đó ông cho trồng các loại tre trên đảo để làm nơi trú ngụ cho cò, vạc.
Ông Hiền nhớ lại, khi đảo cò xây xong chưa được bao lâu, mùa đông năm 1999 hàng chục con cò đã bay về làm tổ. Qua mỗi năm, đàn cò trở về ngày một nhiều hơn, tạo nên một "đảo cò" giữa lòng thành phố. Những năm qua, nơi đây cũng trở thành điểm tham quan lý thú cho người dân và du khách thập phương.
Theo ông Hiền chia sẻ, tại "đảo cò" hiện nay còn có nhiều loài chim khác nhau về đây trú ngụ. Ngoài các giống cò trắng, cò bợ còn có cả chim hạc, vạc, sáo. "Nếu tính tổng cả các loại chim ở đảo thì hiện nay có khoảng 28.000 con. Giống cò, vạc thường di cư nên có thời điểm chúng đi vài tháng mới quay trở về. Thời điểm trở về nhiều nhất lên đến 3 vạn con", ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, ngoài việc tôn tạo, trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan cho đàn cò trú ngụ thì công việc bảo vệ đàn cò là hết sức quan trọng. Để tránh các "thợ săn" quấy phá đàn cò, ông phải thuê 5 người chia nhau bảo vệ đàn cò suốt ngày đêm.
"Người ta nói đất lành chim đậu, nếu bầy cò bị các đối tượng xấu đến săn bắn thì chúng sẽ bỏ đi nơi khác ở. Suốt nhiều năm qua, tôi xem việc bảo vệ đàn cò như bảo vệ những đứa con của mình. Mặt khác, người dân và chính quyền địa phương cũng rất yêu thích đảo cò nên mọi người cũng đã cùng tôi chung tay bảo vệ đàn cò", ông Hiền tâm sự.
Nhờ đó mà suốt 22 năm qua, giữa lòng phố thị huyên náo, "đảo cò" luôn được chăm sóc, bảo vệ. Mỗi dịp tháng 9 về, dưới ánh hoàng hôn lúc chiều tà, từng đàn cò lại sải cánh bay về đây trú ngụ tạo nên một khung cảnh bình yên đến lạ thường.
Anh Lê Văn Dương, người dân phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi mới chuyển về đây ở được hơn một năm. Khi về đây sinh sống tôi rất ấn tượng với "đảo cò". Mỗi khi chiều đến được chứng kiến những con cò bay rợp trời về đây trú ngụ tôi như được trở về với khung cảnh bình yên ở làng quê. Không chỉ ông Hiền, mọi người dân chúng tôi luôn mong muốn đàn cò được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận, tránh các đối tượng xấu săn bắn, phá hoại".
Nói về những dự định tương lai, ông Hiền mong muốn "đảo cò" sẽ trở thành điểm tham quan nổi tiếng ở xứ Thanh. Và hơn bao giờ hết, ông muốn sau này những thân cò ở nơi đây luôn được mọi người che chở, bảo vệ.