Ngỡ ngàng phá Tam Giang
(Dân trí) - "Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Nay, phá Tam Giang lại quá đỗi hiền hòa, thơ mộng trữ tình, không mang sự dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển có những con sóng lừng đầy hiểm nguy.
Theo Lê Quý Đôn, xưa phá Tam Giang có tên là “Hải Hạc đầm”- tức biển cạn, độ sâu trung bình từ 2–4m, nơi sâu nhất là 7m, bất thường có sóng thần kinh khủng. Chẳng thế mà từ xưa người dân vùng này có câu ca rằng "Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".
Phá Tam Giang được khởi tạo bởi nguồn phá nằm giữa 3 dòng sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Phía Nam thông thương với đầm Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú, Cầu Hai trước khi đổ ra 2 cửa biển Tư Hiền và Thuận An.
Đó là chuyện của hàng trăm năm về trước, ngày nay, đường đến Phá Tam Giang không còn chông gai, hiểm nguy mà thay vào đó là một cảnh đẹp nên thơ không nơi nào có được.
Người ta bảo rằng, vẻ đẹp của xứ Huế như thổi hồn cho khung cảnh Phá Tam Giang. Một vẻ đẹp bí ẩn mà người nào đến Huế cũng đều muốn tận mắt ngắm nhìn.
Đầm phá Tam Giang mênh mông sóng nước, đặc biệt là vào buổi chiều tà hay lúc hoàng hôn có ánh nắng mặt trời xuyên suốt, đó là một trong những cảnh tượng tuyệt vời nhất.
Hình ảnh người dân chài lực lưỡng như sừng sững trên nền hình sông nước bao la. Lưới chài trên Phá Tam Giang được tung ra vẽ nên đường cong và vòng tròn sinh động dưới phông nền trong suốt của màu nước, lóng lánh pha lẫn ánh sáng mặt trời giống như một bức tranh thủy mặc giữa trời đất Thừa Thiên.
Đến Tam Giang, đi qua những rặng phi lao vi vút, nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ, trước mắt bạn sẽ mở ra một không gian bao la ngút ngàn.
Phá Tam Giang đẹp là vào buổi hoàng hôn, màu nước như lóng lánh ánh vàng. Chân trời trải dài xa tít. Những cánh đồng nuôi tôm trên Phá kết lại thành những hình thù khác nhau hút hồn lữ khách.
Ở xứ này, người dân làng chài quanh năm sống trên những con sóng, không mấy khi lên bờ. Những ngôi nhà nhỏ được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế dựng gần bờ phá, trên những bờ cát để tiện cho các em nhỏ trên xóm chài lên các trường học trên bờ. Người làng chài sống với nghề chài lưới và không rời xa mảnh phá gắn bó với họ hàng trăm đời qua.
Sông nước Tam Giang nuôi sống rất nhiều loài thủy sản. Có lẽ vì thế từ bao đời nay người dân Tam Giang coi đó như là nguồn sống của họ.
Chẳng ai còn nhớ nghề cào hến có từ khi nào, chỉ biết rằng nhiều thế hệ người dân ven phá Tam Giang của huyện Quảng Điền đã lớn lên bằng những con hến bé nhỏ. Cái nghề lênh đênh sông nước này lắm gian truân, nhưng đem lại cho người dân sự thu nhập tuy không cao nhưng ổn định.
Đến Tam Giang, lữ khách sẽ bắt gặp cảnh chài lưới tấp nập của người dân nơi đây. Cá sơn, cá liệt, cá đôi, cá bông, cá móm,...là những thứ đặc sản không khó tìm ở phá Tam Giang.
Đây là những loại cá nước lợ điển hình mà nghề chài ở các vùng sông nước khác không dễ đánh bắt được. Tùy thuộc vào độ mặn, mùa khô hay mùa mưa... mà ngư dân Tam Giang còn đánh bắt thêm nhiều loại cá từ biển vào hay từ sông về.
Từ tháng 2 đến tháng 8 khi mùa khô đến, độ mặn nước phá Tam Giang được nâng cao thì sản vật của nghề chài có thêm nhiều loại cá biển có đặc tính hẹp muối như: cá đuối, cá trích, cá cơm, cá nhám...
Từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, là mùa mưa ở vùng Huế, nước vùng bờ Tây - Bắc Tam Giang bị ngọt hóa, đây cũng là thời điểm ngư dân đánh bắt cá nước ngọt như cá diếc, cá Ngạnh... tụ tập về ở các cửa sông.
Điều này cũng dễ hiểu rằng, ngay từ thế kỷ XVI “mắm cá ong là thổ sản của các đầm phá Thanh Lam, An Lưu huyện Tư Vinh, ở phá Tam Chế huyện Đan Điền là thứ nhì” (Ô châu cận lục) đã được coi là sản vật có tiếng của đất Ô Châu.
Du khách thường về chơi phá Tam Giang bằng thuyền, theo dòng Hương Giang vào sông Đông Ba, đi qua phố Bao Vinh tới bến đò Vĩnh Tu, là ra đầu nguồn. Khách cũng có thể đi xe máy theo QL49B về thị trấn Thuận An, có cầu và đường nhựa xuyên suốt 50km trên dải cát giữa biển và đầm phá.