Muốn làm du lịch tốt phải có bản sắc riêng của địa phương mình
(Dân trí) - "Bạc Liêu cần tập trung những sản phẩm cực kỳ bản địa mà khi khách du lịch hỏi "Ê, đi Bạc Liêu ăn gì" thì chúng ta đi thẳng luôn những món ăn tuy thương hiệu nhỏ nhưng trong đầu ai cũng nhớ liền".
Trong chuỗi sự kiện Ngày hội du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCop tỉnh Bạc Liêu năm 2023 diễn ra từ 21-24/12, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức Hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện nay loại hình du lịch nông thôn hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách.
Tiềm năng du lịch nông thôn cũng khá lớn nhưng Bạc Liêu chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch; đôi khi dẫn tới trùng lắp, đơn điệu và manh mún, khai thác không đúng giá trị vốn có của loại hình du lịch này.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng, Bạc Liêu cần tập trung điểm nhấn vốn có để du khách nhớ đến. Đó là nhạc sĩ Cao Văn Lầu với đờn ca tài tử, Công tử Bạc Liêu với những giai thoại nổi tiếng.
"Bạc Liêu cần tập trung những sản phẩm cực kỳ bản địa. Khi khách du lịch hỏi "Ê, đi Bạc Liêu ăn gì" thì chúng ta nói thẳng luôn, đó có thể là lẩu mắm Hồng Gấm, mì Mỹ Dung, bánh xèo A Mật,... Những thương hiệu tuy nhỏ nhưng làm sao để khách xuống là hỏi, trong đầu nhớ liền", ông Xuân Anh chia sẻ.
Khách của Bạc Liêu là ai?. Ông Xuân Anh cho rằng, phải xác định rõ điều đó. Ví dụ như Ninh Thuận chỉ làm một cái Amanoi (tên của khu nghỉ dưỡng), Côn Đảo làm cái Six Senses (tên khu nghỉ dưỡng) là tự động kéo theo bao nhiêu món khác. Đây là cách đi đúng của nhiều địa phương hiện nay.
"Phải giữ cho được bản sắc riêng có của địa phương mình. Nhiều thành phố đã "chết đứng" vì không xác định rõ khách của mình là ai khi bỏ quên văn hóa bản địa, bỏ quên món ăn đó mà đi qua một cái gì khác, cho nên khách đến không biết làm gì", ông Xuân Anh khuyến cáo.
Nhà báo Thu Thủy (Tạp chí Du lịch Việt Nam) chia sẻ, khi về Bạc Liêu đã gợi ra nhiều điều về thưởng thức ẩm thực, chẳng hạn như món cơm.
Theo chị, Bạc Liêu có Nhà hát 3 nón lá nổi tiếng, qua đó có thể làm những cái nón lá nhỏ. Sau khi cơm nấu xong, vắt cơm cho mỗi khách bọc trong lá sen rồi bỏ trong cái nón lá đó, đã biến thành câu chuyện.
"Khi làm du lịch phải tiết kiệm, chúng ta đang trân trọng tài nguyên, đang giới thiệu những câu chuyện để mang lại cho du khách được nhớ. Như ăn năng bột mà không biết loại cây đó như thế nào vì không ai chỉ, vô ngồi ăn xong khen rồi đi về, tự nhiên thấy mình mắc cỡ", nhà báo Thu Thủy chia sẻ.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng món ăn du lịch nông thôn phải được chế biến để khách nhớ đến như năng bột thì nấu với tép bạc, bồn bồn phải chung với tôm lóng, rau mác ăn với mắm kho, tép gạo trộn bông điên điển,…
"Du lịch nông thôn phải là du lịch xanh, giảm thiểu tác động môi trường, bỏ bớt những công trình xi măng và bê tông, trồng nhiều cây xanh,...", ông Phong đề nghị và gợi ý có thể trồng hoa phượng vì theo ông, trồng những cái gì người ta đến nhớ về hoài niệm ngày xưa rất dễ thu hút.
Du lịch nhãn cổ
Bạc Liêu đã triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), với diện tích trên 50ha.
Điểm nổi bật ở nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng ĐBSCL tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, ẩm thực,…
Tỉnh đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 của đề án với mục tiêu hình thành 3 cụm với tổng số 339 cây nhãn cổ để đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với trọng tâm vừa tham quan trải nghiệm vườn nhãn cổ, vừa thưởng thức nhãn, các loại hình văn hóa, ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.