Nghệ nhân, nhà nghiên cứu trăn trở thế hệ kế thừa đờn ca tài tử

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu ở Bạc Liêu lo lắng trước nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ mai một khi không tìm đâu ra thế hệ kế thừa. Họ cho rằng, việc đào tạo "món" này vẫn còn nhiều trăn trở.

Ngày 5/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử (ĐCTT), nhân kỷ niệm 10 năm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ sĩ "nhí" hát bản Đờn ca tài tử (Video: Huỳnh Hải).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, ngày 5/12, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ mà còn là một minh chứng về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Bạc Liêu vinh dự là một trong 21 tỉnh, thành lưu giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Trên địa bàn tỉnh, phong trào ĐCTT đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở các địa phương.

Tuy nhiên, một số nghệ nhân nòng cốt hiện tại phần đông đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức; một bộ phận thanh thiếu niên ít am hiểu về loại hình nghệ thuật ĐCTT trước những loại nhạc dễ học theo xu hướng hiện đại,...

Làm gì để bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử

Nghệ nhân ưu tú Lâm Duy Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Vĩnh Lợi, cho rằng trăn trở nhất hiện nay là thế hệ kế thừa.

"Làm sao tìm được nhân tố kế thừa đó và từ đâu?", ông Minh trăn trở và cho rằng các địa phương cơ sở ít nhất phải có một câu lạc bộ ĐCTT, thường xuyên hoạt động, giao lưu tìm nhân tố mới để truyền đạt lại.

"Tuy nhiên, nếu người học không đam mê, không có năng khiếu thì không hiệu quả", ông Minh chia sẻ.

Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết nhiều địa phương băn khoăn thế hệ trẻ không thích ĐCTT, lực lượng truyền nghề cũng hạn chế.

Theo ông, thời gian Sở tổ chức các lớp học ĐCTT nhưng chủ yếu học ca 20 bản tổ, còn đờn không phải ai cũng học được. Học ca 1-2 ngày có thể biết nhưng đờn không phải 1-2 tuần là biết được vì đòi hỏi giáo trình, bí quyết của người thầy, năng khiếu bẩm sinh người học…

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu, cho rằng cần tập trung phần đào tạo vì theo ông, không chỉ ĐCTT mà tất cả các ngành nghề khác đào tạo vẫn là ưu tiên.

"Không đào tạo thì không có kế thừa, mà không kế thừa thì dứt đoạn, không phát triển được", ông Thuận nhấn mạnh và đặt vấn đề đào tạo thế nào cho hợp, đúng, biết, kết quả tốt mới là câu chuyện đáng bàn.

"Muốn truyền dạy ĐCTT phải có trường, lớp, rồi thầy dạy không phải ai cũng dạy được. Nghệ thuật này tinh túy, tại sao âm nhạc hiện đại đào tạo 4 năm mà mình có 10 ngày là sao…", ông Thuận kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm và cho rằng nên có lớp nhiều ngày với hình thức chính quy, kể cả xin mở mã ngành riêng cho ĐCTT ở trường đại học, cao đẳng.

Nghệ nhân, nhà nghiên cứu trăn trở thế hệ kế thừa đờn ca tài tử - 1

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Cũng theo ông Thuận, ngoài Dạ cổ hoài lang, đề nghị ngành văn hóa phục dựng lại những bài bản ĐCTT tiêu biểu khác của các bậc tiền bối để bộ môn nghệ thuật này được nhiều người biết đến và đặc sắc hơn nữa.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, cho biết ông là 1 trong 25 nghệ nhân ở loại hình nghệ thuật ĐCTT của tỉnh.

"Trong 25 người, tôi trẻ nhất nhưng cũng U60 rồi, tìm một người tới đây được công nhận nữa hay không cũng chưa biết, đó là điều rất trăn trở", ông Ẩn chia sẻ.

Theo ông, nghệ nhân muốn truyền nghề thì tạo cho họ đất diễn, tổ chức hội thi, hội diễn,... để có điều kiện nâng cao tay nghề, động lực phấn đấu. Qua các hoạt động này cũng là cơ hội tìm ra "mầm" đam mê ĐCTT, từ đó xây dựng thế hệ kế thừa.