Mũi Né biển xanh, Bàu Trắng biển cát (P1)

(Dân trí) - Chạy xe máy từ Sài Gòn ra đến Bình Thuận quả thật là một ý tưởng hay ho cho những ai ưa bay nhảy mà không quan tâm đến khói bụi, tiếng ồn, xe cộ.

Cứ theo Quốc lộ 1A mà “đào tẩu” khỏi Sài Gòn và Biên Hòa – hai thành phố nhộn nhịp và sôi động, rồi tiếp tục bỏ lại sau lưng những cánh rừng cao su bạt ngàn chạy dài hai bên con đường dốc của Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc thì chào mừng bạn đã đến với vùng đất Bình Thuận xinh đẹp đầy cát và gió.

 

Mũi Né – “Thủ đô” của những Resort

 

Bờ biển xanh ngắt của Bình Thuận
Bờ biển xanh ngắt của Bình Thuận



Bình Thuận trong tôi là giai điệu của cây đàn Guitar dạo bài Solenzara mà lúc nhỏ tôi vẫn thường hay nghe mỗi khi tới bản tin dự báo thời tiết của nhà đài, là hình ảnh một đồi cát vàng bất tận tựa hồ như vùng sa mạc và một bờ biển xanh ngút ngàn cũng được phát trên bản tin đó, là tấm lịch treo tường in hình vườn thanh long xanh đỏ đang chờ thu hoạch, là một tấm lịch khác có hình các cô gái Chăm đang đội bình nước về làng. Bình Thuận trong tôi chỉ có vậy, và tôi đến Bình Thuận cũng chỉ với ước mơ tìm lại đủ bao nhiêu đấy hình ảnh – những thứ gắn liền với tuổi thơ tôi.

 

Hòn Rơm nhìn từ xa
Hòn Rơm nhìn từ xa



Tất nhiên khi nhắc tới Bình Thuận thì Mũi Né phải là cái tên đầu tiên trong danh sách những điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh. Du lịch Bình Thuận cất cánh cũng nhờ Mũi Né, và Mũi Né phát triển như ngày hôm nay là nhờ vào… ông trời. Trời ưu ái ban tặng Mũi Né một bãi cát vàng êm ả chạy dài mấy chục cây số, rồi lại ban cho làn nước biển trong xanh quanh năm sóng vỗ và cả những hàng dừa cao vút nghiên mình ra biển đón gió.

 

Nhưng chỉ với những điều tuyệt diệu đó thôi vẫn là chưa đủ, vì đâu đó trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này người ta bắt gặp những hình ảnh tương tự.  Thứ làm Mũi Né nổi tiếng đến như vậy có thể tạm gọi là “duyên trời”.

 

Biển Mũi Né về chiều
Biển Mũi Né về chiều

Những hàng dừa tô điểm thêm vẻ đẹp cho bờ biển
Những hàng dừa tô điểm thêm vẻ đẹp cho bờ biển

Một lần tình cờ Tự nhiên đã chọn Mũi Né làm nơi quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần rõ ràng nhất vào cái ngày định mệnh 25 tháng Mười năm 1995. Rất nhiều người, cả những nhà khoa học lẫn những người đam mê thiên văn học trên khắp thế giới đã kéo nhau về đây chiêm ngưỡng nhật thực.

 

Và cuối cùng họ không những được thỏa mãn với hiện tượng kỳ thú của vũ trụ, mà còn bị ấn tượng mạnh bởi phong cảnh của một bãi biển hoang sơ điển hình của miền nhiệt đới. Kể từ ngày ấy Mũi Né bắt đầu chính thức “bén duyên” cùng du lịch. Từ một “cô gái quê mùa”, trong phút chốc Mũi Né đã “lên đời” trở thành một “người sành điệu” thu hút cái nhìn của cả thế giới.

 

Hàng loạt Resort mọc lên như nấm sau mưa kể sau sự kiện nhật thực đó, từ Resort của Tây cho tới Resort của ta, từ Resort Năm sao đẳng cấp quốc tế cho đến những “Resort ngàn sao” chỉ được cái bảng hiệu. Trong số khách nước ngoài đến tham quan Mũi Né thì chắc chắn người Nga là những người luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Họ cũng chịu khó đầu tư rất nhiều cho các công trình phục vụ du lịch tại đây. Các nhà hàng, khách sạn, quầy lưu niệm ở Mũi Né tràn ngập tiếng Nga. Người bán hàng, dù là trong shop sang trọng hay buôn bán lề đường ít nhiều cũng đều biết vài ba câu tiếng Nga thông dụng để chào mời du khách.

 

Người dân kéo lưới buổi chiều
Người dân kéo lưới buổi chiều



Mũi Né phân thành hai khu rõ rệt, gồm khu sang trọng với những Resort và nhà hàng cao cấp trên đường Nguyễn Đình Chiểu và khu bình dân hơn nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài ra đến tận Hòn Rơm. Thật ra sự phân chia này cũng mang tính tương đối vì trong khu bình dân cho khách nội địa cũng có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, chỉ là mật độ Resort ở đây không dày đặc như trên khu đầu tiên.

 

Con đường Nguyễn Đình Chiểu chính xác là một khu phố Tây thực thụ với vô số Resort, nhà hàng, khách sạn và quán bar sang trọng san sát hai bên. Tất nhiên các Resort đều nằm ở phía biển, nơi du khách có thể thỏa chí đắm mình trong làn nước trong xanh và ấm áp quanh năm của biển Phan Thiết. Phong cách sống nơi đây vì thế mà cũng rất xa hoa và rất “Tây”, vì đơn giản chỉ toàn Tây là Tây.

 

Khách Việt ở khu này chiếm tỉ lệ khá nhỏ và thường chỉ những người lắm tiền của mới chọn nơi đây để nghỉ dưỡng. Sẽ không ai lấy gì làm ngạc nhiêu nếu bỗng dưng ngoài đường có anh chàng Nga quá khích nào đó vừa đứng trên xe Jeep vừa bắt loa xổ một tràn tiếng mẹ đẻ của mình để phát động phong trào vui chơi gì đấy, mặc cho những vị khách đến từ các quốc gia khác ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người Nga ở đây tự nhiên như chính tại nhà mình.

 

Tôm hùm
Tôm hùm

Tôm hùm


Khu bình dân trên đường Huỳnh Thúc Kháng lại là một thế giới khác hẳn. Nơi đây không có những ánh đèn lung linh từ các nhà hàng sang trọng ngày đêm chiếu sáng cả con đường, cũng không có những khu Resort hoành tráng xa hoa, mà thay vào đó là vô số khách sạn lớn nhỏ với giá cả hợp túi tiền khách nội địa và những Tây ba lô. Tất nhiên nước biển khu này cũng không được trong xanh bằng đoạn phía trên, nhưng so ra với những bãi biển ở Vũng Tàu thì nó đẹp hơn gấp nhiều lần. Đây cũng là chỗ chúng tôi chọn làm điểm dừng chân khi tới Mũi Né.

 

Một điểm khá hấp dẫn ở khu này chính là “hệ thống” quán xá với giá cả vô cùng bình dân. Chỉ cần chạy xuống một chút theo hướng chợ Mũi Né là đã có thể đến với “thiên đường” của các loại hải sản tươi ngon không đâu rẻ bằng. Ghẹ, mực, sò điệp là những loại nổi tiếng và ngon lành nhất. Tôm hùm cũng có bán ngoài lề đường, giá khá rẻ, và tất nhiên là tuân theo quy luật “tiền nào của nấy”. Thú vị nhất là lúc sáng sớm, chỉ cần chịu khó ra khu vực bến tàu với vài chục ngàn trên tay thì bạn sẽ có ngay một bữa no nên với đám hải sản tươi roi rói vừa mới được ngư dân đánh bắt trong đêm.

 

(còn tiếp)

Bài, ảnh: Việt Anh