"Mỏ vàng" dưới đáy biển Quy Nhơn
(Dân trí) - Vùng biển Hòn Khô được ví như "mỏ vàng" với nhiều rạn san hô đang phục hồi. Đây là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài sinh vật biển, tạo nguồn sinh kế, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Hòn Khô… "đẻ" ra tiền
Nhơn Hải là xã bãi ngang nằm trong vùng bán đảo Phương Mai (thuộc TP Quy Nhơn, Bình Định), cách thành phố khoảng 12km về đường biển và 18km về đường bộ.
Với địa thế "lưng tựa núi, mặt hướng biển", Nhơn Hải có 3 thôn: Hải Đông, Hải Bắc và Hải Nam với dân số gần 6.000 người. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Vài năm trở lại đây, Nhơn Hải nổi lên là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Bình Định. Đặc biệt, đáy biển Hòn Khô ví như "mỏ vàng" bởi nguồn lợi thủy sản phong phú cùng tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, với nhiều đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, bãi rạn san hô, thảm thực vật ngầm… vùng biển Nhơn Hải có môi trường thuận lợi để các loài sinh vật biển phát triển.
Trong đó, có các loại thủy sản giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, cá mú, cá hồng, cá cơm, cá nục, mực, các loài ốc biển… tạo điều kiện để người dân phát triển các ngành nghề, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
"Khai thác, nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn thu nhập chính của nhân dân địa phương", ông Nam cho hay.
Bám biển mưu sinh, bà Nguyễn Thị Bảy (62 tuổi, thôn Hải Nam) cho hay, đảo Hòn Khô như bức bình phong bảo vệ làng chài Nhơn Hải. Nếu không có hòn đảo này, mùa mưa bão (khoảng tháng 10-11 hàng năm), sóng biển sẽ "nuốt chửng" những nhà dân ở gần biển.
"Mũi Hòn Khô như "mỏ vàng", mang lại cho người dân địa phương nguồn lợi thủy sản dồi dào. Những rạn san hô, vùng rong mơ rộng lớn dưới biển là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài sinh vật biển, trong đó có loài rất giá trị như tôm hùm, cá mú, cá hồng… tạo nguồn thu nhập cho bà con làng chài", bà Bảy chia sẻ.
Thành lập tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo UBND xã Nhơn Hải, hiện xã này có 78 phương tiện khai thác thủy sản, ước tính hàng năm đánh bắt đạt 580 tấn cá các loại; 92 hộ thả nuôi 57.300 con tôm hùm giống, 34.000 con tôm hùm thương phẩm tại Hải Giang và tại khu vực Hòn Khô lớn; 2 hộ nuôi mực lá tại khu vực gành trên của xã.
Năm 2020, UBND TP Quy Nhơn quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Hòn Khô (xã Nhơn Hải), với diện tích được giao hơn 13ha.
Tổ hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức làm nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ nghề cá, du lịch sinh thái cộng đồng trong các vùng biển được giao.
Trong các hoạt động bảo vệ rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn những năm trở lại đây, các thành viên của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Nhơn Hải hoạt động rất tích cực.
"Trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng nâng cao. Qua đó, góp phần phát triển nghề cá và du lịch sinh thái cộng đồng bền vững, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân", Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải nói.
Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Nhơn Hải, hàng tháng, các thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ sẽ có đội lặn biển để nhặt rác dưới đáy biển để bảo vệ san hô sinh trưởng. Mỗi buổi chiều, khi khách du lịch ra về thành viên tổ ở lại để nhặt các rác thải nhựa trên mặt biển, bãi cát.
"Trong 13ha vùng biển được giao quyền, có hơn 2ha vùng lõi san hô phân bố rất dày, tỷ lệ đạt trên 50%. Thường vào mùa du lịch hè, chúng tôi bố trí thành viên, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực vùng lõi rạn san hô nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức, bảo vệ các loại thủy sản vào bãi đẻ trứng", anh Sáng chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, rạn san hô ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đều được xếp hạng sức khỏe khá, tốt. Riêng tại rạn san hô Nhơn Hải ghi nhận hệ sinh thái phong phú hơn, tại đây ghi nhận 1 cá thể cầu gai bút chì (nhím biển đỏ) rất quý hiếm.
Ban này kiến nghị, đối với các rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn, cần quản lý chặt hoạt động du lịch tự phát, dời các bè neo đậu ra khỏi khu vực rạn san ở các khu vực khoanh vùng bảo vệ.