Mở cửa toàn bộ vào 30/4-1/5, "cơ hội ngàn năm" không thể chậm trễ?
(Dân trí) - Ông Trương Gia Bình (Trưởng Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV) cho rằng, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy, nếu không mở cửa lúc này chúng ta mất đi "cơ hội ngàn năm".
"Nếu không mở cửa du lịch lúc này chúng ta mất đi cơ hội ngàn năm"
Tại hội thảo thống nhất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế diễn ra chiều 24/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, trong hơn 2 tháng thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vắc xin, Việt Nam đã đón được trên 8.500 lượt khách đến 3 địa phương là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam.
Du khách đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch ở Việt Nam đặc biệt, họ đều tin tưởng và hài lòng về các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất lộ trình từ nay đến 30/4 tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2.
Cụ thể, từ 1/5/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch cho rằng, đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì nếu triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.
Ông Trương Gia Bình (Trưởng Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV) cũng cho rằng "nếu không mở cửa du lịch lúc này thì chúng ta mất đi cơ hội ngàn năm".
"Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch.
Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả", ông Bình nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đến thời điểm này "nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng". "Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh", ông Bình nói.
"Nếu 2-3 năm nữa mới mở cửa, sẽ xóa sổ ngành du lịch"
Ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ tháng 10/2021, Bộ đã nghiên cứu mở lại các chuyến bay quốc tế.
Hiện chúng ta đã mở lại đường bay tại 10 thị trường, những thị trường Đông Bắc Á đã mở 14 chuyến/tuần.
Bày tỏ tâm đắc với ý kiến "Chúng ta tiêm vắc xin để làm gì?", ông Lương Thanh Quảng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, vấn đề này Thủ tướng đã trả lời rồi, chúng ta tiêm là để mở cửa các lĩnh vực kinh tế. Hiện, có 10 nước đã công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam như: Anh, Mỹ, Nhật… và chúng ta tạm công nhận hộ chiếu vắc xin của 72 nước.
Cho rằng trong các giải pháp phòng chống dịch không có giải pháp nào là "đóng cửa du lịch", TS. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh - chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng: "Đóng cửa không giảm được lây lan. Đóng cửa để Omicron không vào Việt Nam nhưng Omicron đã vào. Vậy đóng làm gì? Đóng chờ cái gì? Chờ vắc xin chống Omicron thì 2-3 năm chắc có lẽ xóa sổ ngành du lịch. Điều này không ai mong muốn".
Bà Thu Anh cũng thẳng thắn cho rằng, ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn. "Chúng ta có miễn dịch cộng đồng rồi. Thích nghi an toàn, không nên theo đuổi chiến dịch zero Covid-19. Tăng khả năng chống dịch, chứ không phải là chăng dây khắp mọi nơi".
Về câu hỏi "Làm gì để du lịch có thể mở cửa", bà Thu Anh đưa ra một số giải pháp cụ thể đó là, khách du lịch được tiêm đầy đủ vắc xin. Có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay.
Các chuyến bay quốc tế không yêu cầu khách mặc bảo hộ màu xanh, chỉ cần đeo khẩu trang. Khi vào Việt Nam thì hãy ứng xử như khách nội địa, không cách ly. Tuy nhiên, du khách cần thông báo nếu họ có triệu chứng. Việc điều trị cho y tế tư nhân tham gia và có thu phí; Ưu tiên điều trị ở nơi thông thoáng.
Đồng tình với đề xuất mở cửa chính thức hoàn toàn trong đó có mở cửa du lịch nội địa và quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, các hoạt động của Hà Nội trong năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến các chỉ tiêu trong 2021 hầu như không đạt kết quả, giảm sâu.
Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine của thành phố với những người trên 18 tuổi mũi 1 đạt 99,7%, mũi 2 đạt 99,4%, mũi 3 là 44%. Theo ông Quyền đây là cơ sở để thành phố thích ứng với du lịch.
"Theo dự thảo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30.4 -1.5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31", ông Quyền nói.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng để tạo điều kiện cho du khách đến Việt Nam.
Ủng hộ việc "mở cửa càng sớm càng tốt", ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng, điều cần thiết lúc này là nên bãi bỏ những quy định không phù hợp, xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất.
"Tôi cũng không hiểu, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta yêu cầu cần bảo hiểm để làm gì? Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022", ông Kiên nói.