“Lợi thế sân nhà” của các khách sạn Việt

Trong khi các tập đoàn lớn đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, thì một sô tập đoàn khách sạn trong nước đã nhanh chân “đổ bộ” về các thành phố vệ tinh đầu tư để tránh “va chạm” với các “ông lớn” và kết quả họ đã thắng lớn.

Cách đây khoảng chục năm giới kinh doanh du lịch trong nước ở hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM chứng kiến hàng loạt sự xuất hiện của các tập đoàn khách sạn lớn đến Việt Nam như Acor, Sofitel, Sheraton, Marriott với một dàn khách sạn năm sao đẳng cấp.


Mường Thanh Holiday Hội An.

Mường Thanh Holiday Hội An.

Chính sự xuất hiện của các “ông lớn” với cách đầu tư quá bài bản chuyên nghiệp, khiến các nhà đầu tư khách sạn của Việt Nam phải một phen nao núng. Kết quả, các ông lớn này đã hút trọn vẹn hàng loạt các đoàn khách cao cấp từ các đoàn khách quốc tế về Việt Nam. Ngay cả những sự kiện hay các các cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế có tầm cỡ được tổ chức ở Việt Nam cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của những gã khổng lồ này.

Trong khi bị các ông lớn “thao túng” chiếm lĩnh thị trường các ông chủ đầu tư trong lĩnh vực lưu trú này tại Việt Nam chỉ còn cách sử dụng chiến lược “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” đó là việc nhắm vào thị trường nội địa. Trong số đó một số tồn tại được nhờ lượng khách truyền thống “ngành dọc” mang lại, số còn lại phải vất vả lắm mới trụ được trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai trung tâm đô thị lớn này.

Trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, thì một sô tập đoàn khách sạn trong nước đã nhanh chân “đổ bộ” về các thành phố vệ tinh đầu tư để tránh “va chạm” với các “ông lớn”. Đơn cử trong vài năm trở lại đây giới kinh doanh du lịch đã chứng kiến sự xuất hiện ngoạn mục của các khách sạn cao cấp 4 và 5 sao mọc lên liên tiếp của tập đoàn khách sạn Mường Thanh.

Theo họ, chính vì việc nhiều doanh nghiệp thường chọn lựa những thành phố lớn, những khu du lịch lâu đời mà bỏ ngỏ những thành phố đô thị đang phát triển mạnh mẽ và đây là mảnh đất “màu mỡ” để nhà đầu tư “thỏa sức vẫy vùng”

Và kết quả không nằm ngoài mong đợi. Đơn cử như trong 3 năm vừa qua, Tập đoàn Mường Thanh đã nhanh chóng tập trung đầu tư vào những thành phố như Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,… cung cấp những dịch vụ để phù hợp với các thành phố đó như Hội thảo, hội nghị, tiệc,… Nhờ đó, Mường Thanh đã gần như chiếm lĩnh được thị trường những thành phố này. Và trước đó tại Quảng Ninh, hệ thống khách sạn Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Quảng Ninh cũng tạo được dấu ấn khá mạnh mẽ ở thành phố du lịch biển này.


Mường Thanh Holiday Đà Lạt.

Mường Thanh Holiday Đà Lạt.

Bà Lê Thị Hoàng Yến – con gái đại gia Lê Thanh Thản hiện giữ chức Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh chia sẻ: “Chiến lược phát triển của Mường Thanh là mở rộng sự có mặt của Mường Thanh trên tất cả các vùng miền của cả nước và từng bước vươn ra nước ngoài. Tính đến thời điểm này có 35 khách sạn hoạt động trên 22 tỉnh thanh và dự kiến khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn tại Lào sẽ khai trương vào đầu năm 2016.

Có thể nói, hiện nay, Mường Thanh là chuỗi khách sạn nội địa cao cấp hàng đầu Việt Nam, được chứng nhận là “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam” với hơn 50 khách sạn và dự án khách sạn trải dài trên khắp Việt Nam. Mỗi năm đều có những khách sạn mới ra đời không chỉ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng và cả những địa phương khác. Nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước .

Trong khi hầu hết các nhà quản lý khách sạn tại Việt Nam cho rằng thị trường quan trọng nhất vẫn là thương nhân đến thành phố dự hội nghị, hội thảo và họ tập trung khá mạnh vào mảng này. Tuy nhiên, cũng có một số lập luận rằng điều này đúng nhưng chưa đủ đối với Việt Nam – đất nước có nhiều cảnh quan thiên nhiên trải dài khắp các tỉnh. Do vậy việc đầu tư vào các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch đang mở ra xu hướng cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Một ví dụ đó là cho đến thời điểm này, sau những năm miệt mài đầu tư cho các khách sạn cao sao tại các địa phương, Tập đoàn Mường Thành với hơn 6,000 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế, chiếm 20% tỷ lệ phòng nghỉ của Việt Nam. Tập đoàn này đã đón tiếp hơn 800,000 lượt khách trong đó hơn 300,000 lượt khách nước ngoài.

Với những gì đang diễn ra tại thị trường khách sạn Việt Nam hiện nay, một số chuyên gia nhận định Chất lượng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân và sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến một thị trường du lịch ổn định và bền vững hơn. Tình hình kinh doanh khách sạn dự kiến sẽ được cải thiện nhanh chóng.

H.L