Loài thực vật nào lớn nhất thế giới, sống từ thời xây kim tự tháp Ai Cập?
(Dân trí) - Loài thực vật lớn nhất thế giới trải dài trên diện tích rộng tới 200km2, vừa được các chuyên gia phát hiện.
Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tây Úc mới đây công bố, họ vừa phát hiện thấy một đồng cỏ biển khổng lồ trải dài trên tổng diện tích gấp 3 lần diện tích Manhattan tại vịnh Shark, cách thành phố Perth (Australia) chừng 800km về phía bắc.
Với diện tích lên tới 200km2 đã khiến nó trở thành loài thực vật lớn nhất thế giới hiện nay.
Được biết, loài thực vật khổng lồ này có tên gọi Posidonia Australis, bắt đầu sống cách đây khoảng 4.500 năm, thời điểm người Ai Cập cổ đại xây dựng đại kim tự tháp Giza.
Các chuyên gia cho biết, thế giới đã chứng kiến những loài cỏ biển và thực vật trên cạn sống lâu đời nhưng chưa từng có loài nào lớn như vậy. Bằng các xét nghiệm di truyền, giới chuyên môn cho biết 18.000 mẫu vật từ khắp thảm cỏ được phân tích. Kết quả cho thấy thảm cỏ khổng lồ thực chất chỉ là một cây cỏ biển. Chúng mất hàng nghìn năm để phát triển thành một thảm lớn có diện tích rộng như ngày nay.
"Toàn bộ khu vực rộng lớn này chỉ phát triển từ một cây con duy nhất rồi lan rộng bằng cách nhân bản chính nó. Cách đây 4.500 năm, một loài thực vật mọc lên từ một hạt duy nhất và chúng lan rộng ra theo thời gian với tốc độ trung bình khoảng 35 cm mỗi năm", Martin Breed, nhà sinh thái học của Đại học Flinders, phân tích.
Cũng theo giới chuyên gia, loài thực vật này có sức sống mãnh liệt nhất khi chúng được phát triển ở nhiều nơi trong vịnh với các điều kiện khác nhau.
Điều thú vị là, ở độ tuổi xấp xỉ 4.500 năm, loài thực vật lớn nhất thế giới này nếu sống ở trên cạn chắc chắn sẽ được xếp hạng "cây cổ thụ", nhưng do sống dưới đại dương thì nó không được coi là đặc biệt lâu đời. Một loài thực vật khác có tên Posidonia Oceanica sống tại vùng biển Địa Trung Hải được cho là đã lên tới 100.000 năm tuổi.
Trước đó, loài thực vật nắm giữ kỷ lục là cây lớn nhất thế giới ở góc độ diện tích thuộc về cây dương với biệt danh Pando ở Utah, Mỹ. Tương tự như loài cỏ biển trên, cây dương Pando tự nhân bản thành nhiều cây con thông qua hệ thống rễ. Tuy nhiên đến nay chúng chỉ bao phủ diện tích khoảng 0,4km, nhỏ hơn thảm cỏ biển ở Australia tới 400 lần.