Thái Nguyên:

Lễ tưởng niệm vị Khai quốc công thần nhà Hậu Lê

(Dân trí) - Ngày 3/4, xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã tổ chức tưởng niệm vị Tể tướng Lưu Nhân Chú - vị Khai quốc công thần Nhà Hậu Lê và là Danh nhân lịch sử Đất Việt tại ngôi đền mang tên ông.

Toàn cảnh Đền Lưu Nhân Chú.

Toàn cảnh Đền Lưu Nhân Chú.

Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú thuộc khu Di tích lịch sử Quốc gia núi Văn, núi Võ (Đại Từ, Thái Nguyên). Lễ hội núi Văn - núi Võ mở ngày mùng 4 tết Nguyên đán hàng năm, có rất đông khách thập phương về dự hội.

Người dân trong xã đến dự Lễ kỷ niệm ngày 3/4.
Người dân trong xã đến dự Lễ kỷ niệm ngày 3/4.

Lịch sử đã ghi nhận Lưu Nhân Chú quê ở xã Thuận Thượng, tức xã Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ - Thái Nguyên) ngày nay. Vùng đất lạ dưới chân Tam Đảo này từng một thời được mệnh danh là vùng đất thiêng, căn cốt long mạch của dãy Tam Đảo, kéo dài về tận núi Tản Viên, vùng Ba Vì (Hà Nội).

Sinh ra và lớn lên gặp thời loạn lạc, giặc Minh dày xéo đất nước nên Lưu Nhân Chú sớm có cái nhìn sáng suốt và có chí hướng tìm đường chống giặc, cứu nước chứ không đi theo nhà Hồ và nhà Hậu Trần.

Bà con dâng lễ tưởng niệm vị Tể tướng Lưu Nhân Chú.
Bà con dâng lễ tưởng niệm vị Tể tướng Lưu Nhân Chú.

Nhà Hồ và hậu Trần đều tiến hành kháng chiến chống quân Minh, nhưng đều bị thất bại; đến năm 1413 cuộc kháng chiến của nhà hậu Trần bị thất bại hoàn toàn. Xét thấy dòng họ Lưu ở Thái Nguyên có uy tín và có thế lực, nhưng không thể đủ sức chống lại giặc Minh nên năm 1409 gia đình họ Lưu ở Thái Nguyên đã lựa chọn đi theo ngọn cờ họ Lê (của hai bố con Ngài Lê Khoáng, Lê Lợi) ở Khả Lam, Thanh Hóa, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống giặc Minh.

Trong Gia phả họ Lưu ở Thái Nguyên có nêu, việc gia đình Lưu Nhân Chú đến Lam Kinh phò Lê Lợi, cũng giống như trường hợp của Trần Nguyên Hãn (từ Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tìm đến Lam Sơn phò Lê Lợi là việc làm hợp lẽ trời, hợp với lòng người, tất yếu đi đến thành công.

Ông Ngô Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Văn Yên phát biểu.
Ông Ngô Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Văn Yên phát biểu.

Sau bảy năm theo cha con cụ Lê Khoáng - Lê Lợi xây dựng lực lượng, năm 1416, Lưu Nhân Chú tham gia Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức. Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu, trong đó có Lưu Nhân Chú, nguyện cùng chung lòng, dốc sức chiến đấu chống giặc Minh, giải phóng quê hương đất nước. Lưu Nhân Chú trở thành một trong những “Công thần Lũng Nhai”. Sau Hội thề Lũng Nhai, bốn thành viên gia đình Lưu Nhân Chú (gồm Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Trịnh Khắc Phục - anh cùng mẹ khác cha với Lưu Nhân Chú và em rể Phạm Cuống) đều nằm trong 51 người được Lê Lợi chọn làm tướng lĩnh.

Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú tại

Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú tại
khu Di tích lịch sử Quốc gia núi Văn, núi Võ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Từ năm 1416 đến 1418, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi cử về Thái Nguyên để tập hợp lực lượng, rèn luyện binh sĩ, tích trữ lương thảo cho cuộc khởi nghĩa.

Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo bùng nổ, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Khởi nghĩa Lam Sơn đã nhanh chóng phát triển lớn mạnh thành một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa) trở thành nơi hội tụ sức mạnh kháng chiến của toàn dân tộc. Ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, cha con Lưu Nhân Chú đã là những tướng lĩnh tiên phong của nghĩa quân Lam Sơn.

Để tôn vinh công đức của anh hùng Lưu Nhân Chú, đồng thời góp phần để các thế hệ hôm nay và mai sau thêm cơ hội tìm hiểu về truyền thống lịch sử đất và người Thái Nguyên, năm 2015, Đài PT TH Thái Nguyên đang sản xuất bộ phim truyện Tể tướng Lưu Nhân Chú gồm 5 tập.

Hiện quần thể Di tích Núi Văn-Núi Võ với các công trình như Đền thờ Tướng quân Lưu Nhân Chú, nhà tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, trạm nghỉ cho khách thập phương... là một quần thể du lịch lịch sử hấp dẫn với du khách thập phương.

Phương Nhung