Lặng người trong ngày cúng âm hồn ở Huế
(Dân trí) - Từ ngày 23 tháng 5, nếu là một du khách mới đến Huế lần đầu, người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy vô số rạp được dựng lên để cúng âm hồn trong thành phố.
Đó là ngày 23/5 âm lịch hàng năm – ngày “Thất thủ Kinh đô 23 tháng Năm” mà trước đây người Huế xem là ngày “kỵ chung”, ngày giỗ của cả kinh thành, kéo dài cả vài ba tuần lễ.
Nhạc cúng lễ vang động khắp nơi, hương trầm nghi ngút tỏa cả đêm lẫn ngày. Ban đêm các thời cúng của từng gia đình được đặt trước mặt nhà, hương đèn được đặt sẵn. Lễ vật cúng ít nhiều tùy gia cảnh nhưng tối thiểu phải có chè, cháo, gạo muối, bông ba hoa quả, hương, nhang trầm, hột nổ, áo binh, giấy ngũ sắc cau trầu rượu.
Đặc biệt trong lễ cúng 23 tháng năm này, từ gia đình cho đến tập thể, phải nhớ có một bình lớn nước hoặc một thùng nước chè đầy và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người cúng tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, và chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông suối trong rạng ngày 23 tháng 5.
Theo truyền thống, ngày chính cử hành nghi lễ là ngày 23 tháng 5. Nhưng đối với các tư gia thì có thể tùy theo từng gia đình mà tổ chức từ 23 tháng 5 đến 30 tháng 5.
Những tổ chức cúng âm hồn ngày 23 tháng 5 là do nhân dân tự động kết hóp tổ chức ở các thôn, xóm, phường, xã ở trong tỉnh, các người cùng nghề nghiệp, chung sinh hoạt như tiểu thương các chợ lớn, nhỏ, các khuôn hội, chùa chiền, các tổ chức từ thiện.
Anh Tạ Minh Hiến, Phó giám đốc Công ty Du lịch Phương Đông Ngày nay chia sẻ, vào những ngày này hầu như toàn thể gia đình và tổ chức tập thể ở Huế đều nao nức cúng âm hồn do xuất phát từ lòng cảm thương những người bị chết trong biến cố một cách bi thương và oan uổng, hồn bơ vơ vất vưởng, không có ai cúng cấp cho nên cúng âm hồn có ý nghĩa cao đẹp là công cho “thập loại chúng sinh” chứ không hẳn cúng cho thân nhân trong gia đình mình.
Ở Huế nghi thức ấy được tổ chức trang trọng nhất được tổ chức tại các am miếu trong thành phố Huế. Miếu âm hồn được thành lập lâu năm nhất là ngôi miếu ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn hiện tại, nằm ở phía đông nội thành, cách cửa Đông Ba chừng 300 mét, ngôi miếu này được xây dựng vào năm 1895, sau biến cố thất thủ kinh đô mười năm, trải qua các cuộc đổi thay, nay vẫn còn.
Một số tài liệu ghi lại, ngày ấy dưới cái nắng gay gắt của tháng Năm âm lịch ở xứ Huế, với hàng ngàn xác chết không kịp chôn, trôi nổi dưới thành hào, giữa dòng sông, trong một kinh thành ngập tràn khói lửa là nguyên nhân làm dịch bệnh bộc phát, lan tràn. Số người chết vì dịch bệnh lại tăng hơn số thương vong vì chiến trận. Dịch bệnh hoành hành suốt hai tháng trời.
Những tài liệu nghiên cứu đã đưa ra con số khoảng 9.300 binh lính và thường dân Việt Nam bị thương vong trong sự biến thất thủ kinh đô, trong đó khoảng 6000 người bị thương, 3.300 binh lính và dân thường bị tử nạn.
Những người Huế sống sót sau sự kiện thất thủ kinh đô đã bàng hoàng, thương tiếc cho người thân, lo sợ các oan hồn tử sĩ, lo lắng trước những tai ương dồn dập đã nghĩ đến việc lập đàn cúng bái. Hàng lọat các đàn âm hồn trong dân gian ra đời.
Ngay cả triều đình được lập lại tại Huế dưới sự “bảo hộ” của Pháp cũng lập đàn âm hồn, giao bộ Lễ hằng năm vào dịp 23 tháng Năm tiến hành lễ tế theo nghi thức long trọng của triều đình.
Dù đã qua bao biến động thăng trầm, nhưng người Huế hàng năm đều không bao giờ quên đi ngày giỗ đau thương này, gia đình nào cũng cung kính lễ bái bởi cảm thương những nạn nhân chiến tranh, cho rằng oan hồn của họ mãi bơ vơ vất vưởng, không có ai cúng cấp…
Cúng trong nhà, trong vườn, trước ngõ, đầu xóm, trong chợ, ở bến đò, bến sông, ở các miếu âm hồn. Từng gia đình cúng, cả xóm cúng, cả chợ cúng... và cả triều đình cũng cúng.
Đây thực sự là một phong tục đẹp tự phát của người dân Huế, thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, đồng chủng, xuất phát từ tấm lòng nhân hậu và tính nhân bản trong nhân dân xứ Huế.
Minh Phan