Lạ miệng món cháo đắng Phù Yên
(Dân trí) - Được coi là quê hương bản quán của đồng bào Mường thuộc tỉnh Sơn La, Phù Yên không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng cho mùa vàng bội thu mà còn được biết đến với nhiều món ăn lạ miệng và ấn tượng nhất là món cháo đắng.
Mảnh đất Phù Yên thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, nơi có đến 80% dân số là người dân tộc Mường. Nơi đây từng được biết đến với rất nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng như gạo Mường Va, tỏi tía, quýt ngọt…và thật thiếu sót nếu không nói đến món cháo đắng.
Quả đắng rừng, nguyên liệu chính để nấu món cháo đắng Phù Yên
Ban đầu, cháo đắng chỉ là món ăn thông thường của đồng bào Mường tại Phù Yên. Nhưng vì hương vị thơm ngon đặc biệt mà sau này nó đã trở lên phổ biến rộng rãi. Cũng từ đó, cháo đắng đã trở thành món ăn đặc sản không thể thiếu trong các nhà hàng lớn, nhỏ tại Phù Yên. Mỗi người khách khi ghé qua Phù Yên, biết về món cháo đắng này đều dừng lại tìm mua một ít quả đắng mang về nấu món cháo đắng làm quà cho gia đình.
Khi ăn, cháo có vị đắng lạ nhưng không hề gây khó chịu, kèm theo đó là có vị ngọt của thịt, gạo, mùi thơm lạ củaquả đắng rừng. Bởi hương vị đặc biệt đó mà cháo đắng khiến những người ăn lần đầu có ấn tượng khó quên, chỉ cần ăn một lần cũng đủ để cảm nhận và yêu thích món ăn này.
Món cháo đắng thơm ngon cuốn hút nhiều người thưởng thức
Nguyên liệu chính để nấu cháo đắng là quả đắng. Quả đắng được đồng bào hái từ trên rừng. Đây là loại quả mọc dại, chỉ Phù Yên mới có. Quả đắng có màu xanh, khi chín chuyển thành màu đỏ, quả hình tròn, nhỏ, mọc thành chùm và mọc ở gần các vách đá.
Quả đắng khi hái về, nhặt và rửa sạch, để ráo nước, có thể bảo quản hàng tuần trong tủ lạnh mà không bị hỏng. Để nấu món cháo đắng cần có đủ các nguyên liệu: thịt nạc băm nhỏ, bột gạo tẻ, quả đắng, rau thơm, các gia vị cần thiết.
Cách nấu không quá phức tạp: thịt băm ướp gia vị để khoảng 15 phút, cho vào rang chín, đổ nước vừa nồi rồi đun. Khi nước sôi, cho bột gạo ước lượng vừa với lượng nước trong nồi, đun nhỏ lửa, đến khi nồi cháo sôi lại thì cho quả đắng vào đun tiếp. Nồi cháo phải được đun nhỏ lửa trong khoảng 30 phút, khi quả đắng chín mềm, cháo sền sệt là vừa. Trước khi ăn cho thêm chút rau thơm, hạt tiêu và gia vị vừa miệng từng người ăn và ăn lúc còn nóng.
Vào tháng 10 hàng năm, khi quả đắng bắt đầu vào mùa, người dân Phù Yên đều nấu cháo đắng như một món ăn thường xuyên của gia đình. Ăn cháo đắng có nhiều lợi ích như: kích thích sự thèm ăn, mát gan, sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…Chính vì vậy, đây không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là bài thuốc hữu hiệu cho sức khỏe của người miền núi.
Vào mùa đông, các gia đình tại Phù Yên thường ngồi quanh bếp lửa nhà cùng nhau sì sụp bát cháo đắng nóng hổi. Hương vị cháo đắng thơm ngon, có chút đắng ngọt mãi trong cổ họng cùng sự ấm cúng của tấm lòng những người dân tộc như giúp du khách xua đi cái giá lạnh của mùa đông vùng cao.
Tặng Đào