Lạ lùng giếng cổ Champa 200 năm không bị nhiễm mặn dù cách biển 100m
(Dân trí) - Trên đảo Cù Lao Chàm có một giếng cổ Champa với tuổi đời lên đến 200 năm. Dù chỉ cách bờ biển khoảng 100m nhưng nước trong giếng chưa bao giờ bị nhiễm mặn.
Đảo Cù Lao Chàm thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm cách biển Cửa Đại khoảng 15km. Trên đảo Cù Lao Chàm có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, trong đó phải kể đến giếng nước cổ Champa có niên đại 200 năm, mang đậm nét văn hóa người Champa xưa.
Về cấu trúc, giếng cổ Champa ở Cù Lao Chàm cơ bản tương tự với các giếng khác ở Hội An. Giếng có hình ống tròn, nền giếng hình vuông, miệng giếng rộng khoảng 1,2m, sâu khoảng 5m, bên trong xếp gạch hình múi cam đè lên nhau.
Đây là giếng nước ngọt duy nhất cung cấp cho toàn bộ người địa phương trên đảo và cũng là giếng cổ nhất. Đến đây, du khách có thể lấy gầu múc nước từ giếng lên uống trực tiếp. Nước ngọt và mát lạnh, không hề nhiễm chút mặn, chút phèn.
Theo người dân địa phương, dù chỉ cách bờ biển khoảng 100m nhưng giếng nước chưa một lần nhiễm mặn trong suốt 2 thế kỷ qua. Người dân cũng đã cố đào thêm ở những vị trí khác nhưng đều không thể tìm thấy mạch nước ngọt.
Với người dân trên đảo, giếng cổ Champa này vừa có giá trị lịch sử, văn hóa lại vừa là biểu tượng cho sức khỏe. Giếng đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2006.
Ghé thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện mang màu sắc huyền bí như có thể giúp có con, thoát ế.
Nhiều người tin rằng, ai chưa có người yêu, nam uống 7 ngụm, nữ uống 9 ngụm sẽ có người yêu. Với những cặp vợ chồng chưa có con, chỉ cần cùng nhau uống một gáo nước giếng và cùng nguyện ước sinh con thì sẽ sớm có tin vui. Vì thế, người dân còn gọi giếng cổ này là giếng Tiên. Hàng ngày, khá nhiều người dân tới giếng lấy nước, khách đi du lịch đảo Cù Lao Chàm cũng vì tò mò mà tìm đến rất đông.
Trên đảo Cù Lao Chàm còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa độc đáo như di tích tiền Sa Huỳnh Bãi Ông cách giếng cổ 500m về phía Đông Bắc và di tích khảo cổ Bãi Làng, cách giếng cổ 300m về phía Tây Nam.
Nhiều khách du lịch đến hòn đảo này không quên viếng thăm chùa Hải Tạng để cầu bình an, may mắn. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ năm 1758, là điểm tựa tâm linh không thể thiếu của người dân trên đảo.
Theo sử sách ghi chép lại, năm 1848, một cơn bão lớn quét qua đã tàn phá nặng nề ngôi chùa nên dân đảo đã di dời chùa ra vị trí mới cách đó khoảng 200m.
Một truyền thuyết được người dân đảo truyền tai nhau là vào khoảng thế kỷ XVII, có một con thuyền chở gỗ đi từ Bắc vào Nam. Lúc đi qua đảo Cù Lao Chàm thì trời tối, thuyền dừng lại vào nghỉ chân trên đảo. Sáng hôm sau, trời nổi giông tố nên thuyền không đi được, phải tiếp tục ở lại đảo.
Một người trên thuyền đã đến ngôi miếu để cầu nguyện. Các vị thần linh chỉ rằng, muốn được biển êm bão dừng thì phải dùng những cây gỗ để dựng chùa tại đây. Thế là họ đã dựng nên ngôi chùa Hải Tạng. "Hải" tức là biển, "Tạng" là tam tạng kinh điển. Cái tên của chùa tượng trưng cho sự quy tụ tam tạng kinh, phong phú, mênh mông như biển cả.
Chùa Hải Tạng hiện nay là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng thờ Phật kết hợp với thờ Thánh, trong đó có cả bộ ba tượng Thánh: Quan Công, Châu Thương, Quan Bình.
Chùa tựa vào lưng núi hướng ra một cánh đồng lúa nhỏ, bao quanh chùa là hàng rào đá được xếp khít với nhau, do tương truyền nơi này trước nhiều rắn rết nên làm hàng rào đá để bảo vệ.
Trước cổng chùa có tượng Phật Bà Quán Thế Âm trong hồ sen, kế đến là cổng tam quan cổ kính, trên sân chùa có cây bồ đề cổ thụ, tán rộng.
Phần mái của chùa được lợp ngói âm dương đã rêu phong cổ kính. Nổi bật nhất là những rường cột chồng lên nhau, kết cấu kèo gỗ rất chắc chắn, cộng thêm đó là nhiều chi tiết được chạm trổ rất công phu.
Chùa Hải Tạng nổi tiếng với "bốn không": Không trụ trì, không điện đèn, không vàng mã, không sư sãi. Chùa được quản lý bởi một ban trị sự của hòn đảo. Tương tự như giếng cổ Champa, chùa Hải Tạng được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.
Trên đảo Cù Lao Chàm còn có bốn cây di sản đã được công nhận. Đó là ba cây ngô đồng đỏ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, cây đa ở sườn Đông, hòn Lao, cây Kén, cây Nánh ở miếu Tổ nghề yến, thôn Bãi Hương.
Trong đó, cây đa ở sườn Đông, hòn Lao có 600 năm tuổi. Cây có một thân chính và sáu thân phụ bao quanh, vừa là trụ đỡ thân cây vừa tạo cho tán cây có vẻ đẹp cổ kính, đẹp mắt.
Ba cây ngô đồng có tuổi đời từ 150 - 250 năm, nở hoa màu đỏ rất đẹp, còn cây Kén và cây Nánh khoảng 200 năm, cho hoa màu tím như bằng lăng.
Văn Công