Kỹ năng sơ cứu cần thiết cần nắm rõ khi đi du lịch

(Dân trí) - Khi đi du lịch, nhất là đi rừng hay leo núi, bạn nên chuẩn bị cho mình một túi cứu thương và đừng quên học cách sơ cứu vết thương. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ sơ cứu vết thương nếu bị trầy xước khi đi du lịch.

Cầm máu và làm garô

 
Cầm máu và làm garô

Khi bị một vết thương, dù rất nhỏ thì ưu tiên của bạn là phải sát trùng và cầm máu. Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy rửa sạch tay bằng bất cứ nguồn nào bạn có lúc đó.

Dùng vải sạch hay bông lau hết vết đất cát trên vết thương và rửa sạch bằng dung dịch sát trùng như oxy già, cồn y tế hay iod. Bạn cần nhớ là phải sát trùng vết thương ít nhất là trong vòng 6h kể từ khi bị thương để tránh mọi nhiễm trùng có thể mắc phải nên nếu không mang theo dung dịch sát trùng, hãy băng vết thương lại và bạn có 6h để… hành động.

Sau đó nếu vết thương chảy máu thì ta có thể cầm máu bằng cách đắp một miếng băng gạc lên vết thương và giữ chặt, đồng thời giữ cho phần bị thương cao hơn vị trí của tim, tức là cao hơn lồng ngực. Cách này giúp giảm bớt áp suất mạch máu lên vết thương, máu sẽ chảy chậm lại.

Băng bó

Sau khi cầm máu và làm sạch vết thương bằng gạc, băng bó là bước làm tiếp theo. Với vết thương nằm ở đoạn bộ phận có độ lớn đều nhau như cổ tay, bạn có thể sử dụng cách băng xoắn ốc. Đây là cách băng bó đơn giản nhất, đầu tiên bạn quấn 2 vòng để cố định gạc, sau đó cho đường băng quấn vòng đi đầu lên, vòng băng sau đè lên 2/3 vòng băng trước cho đến khi che kín toàn bộ vết thương và buộc băng lại.

Cầm máu và làm garô


Nên thay băng hàng ngày và rửa sạch vết thương mỗi lần thay băng. Còn nếu bạn chỉ bị sưng hay bầm thì cũng nên lau sạch chỗ bị bầm, sau đó dùng nước đá bọc trong một cái khăn sạch chườm lên chỗ bầm trong 15 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày. Sau 2 ngày thì làm ngược lại, dùng khăn thấm nước ấm chườm lên chỗ bầm, như vậy vết bầm sẽ nhanh chóng biến mất.

Cố định tạm thời khi gãy tay và gãy chân.

Trước hết, cần phải xác định xem có phải bị gãy xương hay không, tình trạng gãy xương kín ở bên trong hay xương gãy chọc lòi ra ngoài da để xử trí phù hợp.

Trường hợp gãy xương kín ở bên trong, không thấy xương chọc ra ngoài; điều quan trọng nhất là phải cố định giữ cho tay hoặc chân bị gãy ở tư thế bất động. Làm như vậy để nạn nhân đỡ đau, khi di chuyển nạn nhân không nguy hiểm, chỗ gãy sẽ chóng lành. Thủ thuật này tiến hành lần lượt như sau:

Dùng hai miếng ván mỏng hoặc hai thanh tre to bản đặt sát vào hai bên tay hoặc chân bị gãy; hai miếng ván hay hai thanh tre này phải có chiều dài lớn hơn khoảng cách giữa hai khớp lân cận.

Dùng cuộn băng hay miếng vải dài cuộn chặt hai miếng ván hay hai thanh tre vào tay hoặc chân bị gãy suốt từ đầu này đến đầu kia của hai miếng ván hay hai thanh tre.

Trường hợp bị gãy chân, có thể dùng cuốn băng để băng chặt hai chân lại với nhau. Trường hợp gãy cẳng tay, sau khi đã cố định có thể dùng một miếng vải rộng hay khăn choàng quàng vào vai để treo tay bị gãy lên.

Sơ cứu khi có người ngất xỉu

Đặt bệnh nhân nằm xuống, nâng và đỡ chân bệnh nhân lên. Bảo đảm cho bệnh nhân thở nhiều không khí trong lành; nếu cần thiết thì hãy mở cửa sổ ra. Trấn an khi bệnh nhân tỉnh lại và làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, thoải mái. giúp bệnh nhân ngồi dậy từ từ.

Tìm xem bệnh nhân có còn bị thương tích nào do bị ngã gây ra không và sơ cứu cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không hồi tỉnh lại nhanh, hãy kiểm tra nhịp thở và mạch đập của bệnh nhân, chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu thấy cần thiết. Đặt bệnh nhân ở tư thế dễ hồi sức . Nếu bệnh nhẩn bắt đầu cảm thấy muốn ngất xỉu trở lại, hãy đặt đầu bệnh nhân giữa hai đầu gối họ và bảo họ hít sâu vào.

Sơ cứu khi có người đuối nước

Khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước hãy nhanh chóng thảy cho họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào và nổi lên được.

Cầm máu và làm garô


Sau khi đem nạn nhân lên bờ, hãy nhanh chóng gọi điện thoại số cấp cứu và tiến hành làm hô hấp nhân tạo bằng cách: đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra, một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu vào miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy; để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai. Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến.

Sơ cứu khi có người bị rắn cắn

Nếu bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc, cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể, bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi, hay chạy.

Rửa sạch vết rắn cắn bằng xà phòng và nước sạch. Dùng dao sạch rạch một đường dài khoảng 10mm, sâu độ 3mm tại vết răng nanh, sau đó nặn ra ít máu. Sát khuẩn vết rạch bằng cồn 70o hoặc thuốc tím 0,1%, nước oxy già 12 thể tích, nước muối 9‰, rồi băng vết thương bằng gạc vô khuẩn. Sơ cứu xong, cần bất động chi bị cắn, chuyển nạn nhân đi bệnh viện ngay.

Minh Anh (tổng hợp)