Kinh doanh khách sạn: Quyết định “hợp thời” của Mường Thanh

Từng nhiều lần công tác xuống Hà Nội, năm 1992, Chủ tịch Lê Thanh Thản nhìn ra cơ hội kinh doanh nếu đầu tư vào ngành khách sạn – vốn còn khá mới mẻ tại một đất nước mới mở cửa như Việt Nam. Đó cũng là thời điểm đánh dấu cho sự ra đời chuỗi 50 khách sạn “phủ sóng” toàn quốc của Tập đoàn Mường Thanh như ngày nay.

Sau khi thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên vào năm 1992, cùng năm đó, Chủ tịch Lê Thanh Thản đưa ra ý tưởng xây dựng khách sạn đầu tiên. Ý tưởng này xuất phát từ việc trước đó nhiều lần Bác Thản xuống Hà Nội công tác và lưu trú tại các khách sạn ở đây. Qua quan sát, bác nhận thấy rằng, khách sạn chỉ cần đầu tư xây dựng một lần và có thể cho khách thuê phòng nhiều năm sau đó để kiếm lời. Đó là suy nghĩ ở thời điểm đại bộ phận người dân vẫn còn xa lạ với khái niệm khách sạn cao cấp.


Mường Thanh và hành trình về nguồn.

Mường Thanh và hành trình về nguồn.

Chú Cao Đăng Chính – Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nhớ lại: “Trong chuyến về quê ăn giỗ vào cuối năm 1992, tôi đi cùng gia đình Bác Thản. Bác có chia sẻ, sang năm sẽ xây dựng khách sạn ở Điện Biên. Sau này sẽ làm nhiều hơn, sức có đến đâu sẽ làm đến đây”.

Quyết là làm, 10 tháng sau, vào cuối năm 1993, khách sạn Mường Thanh Điện Biên mini đầu tiên được xây dựng xong và đi vào hoạt động với quy mô khoảng 30 phòng. Đây là khách sạn đầu tiên của Tập đoàn Mường Thanh.

Theo chú Chính, tinh thần lúc đấy của mọi người rất phấn khởi. Để công việc điều hành, quản lý khách sạn được chuyên nghiệp, Bác Thản đã đưa một số người đi học nghiệp vụ khách sạn, du lịch. Điển hình trong số đó có thể kể đến anh Nguyễn Chí Mạnh – hiện làm Phó Giám đốc của khách sạn Mường Thanh Holiday Điện Biên Phủ. Anh Mạnh là một trong những CBNV đầu tiên của khách sạn Mường Thanh, đảm nhận vị trí lễ tân.

Thời gian đầu hoạt động, khách sạn Mường Thanh Điện Biên mini gặp nhiều khó khăn do hoạt động tại tỉnh còn nghèo và du lịch chưa phát triển như tỉnh Lai Châu cũ (sau này tách thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên). Tuy vậy, sau một thời gian, khách sạn đã dần đi vào hoạt động ổn định và sinh lời. Khách hàng vào lưu trú tại khách sạn thường là những người đi công tác, khách đi du lịch lên thị xã Điện Biên Phủ (nay là Tp. Điện Biên Phủ).

“Mặc dù giá bán phòng của khách sạn Mường Thanh Điện Biên mini lúc đó cao hơn mặt bằng chung của các địa điểm lưu trú trên địa bàn, nhưng vẫn thu hút được nhiều khách nhờ chất lượng dịch vụ tốt, phòng nghỉ chất lượng”, chú Chính cho hay.

Đến năm 1996, Bác Thản bán lại khách sạn cho bên Công đoàn và đổi tên thành khách sạn Công đoàn cho đến ngày nay. Theo thỏa thuận với tỉnh, ngoài tiền thu được, Mường Thanh sẽ nhận một mảnh đất khác để xây dựng khách sạn. Năm 1997, với số tiền thu được từ thương vụ bán khách sạn Mường Thanh Điện Biên mini, khách sạn Mường Thanh Holiday Điện Biên Phủ đã được xây dựng với quy mô 70 phòng. Khách sạn sau đó tiếp tục được mở rộng về số lượng phòng, mua thêm đất để bổ sung các dịch vụ khác như karaoke, dịch vụ mát xa, khu chơi thể thao…

Chú Chính còn bật mí, Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An) không phải là nơi đầu tiên Mường Thanh xây dựng Safari (vườn thú), mà trước đó, tại Mường Thanh Điện Biên, bác Thản đã quy hoạch khu vực nuôi nhốt nhiều loại thú quý hiếm, như gấu, hổ, trăn… “Đây có thể coi là ý tưởng để xây dựng khu Trại bò – khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm sau này”, chú Chính cười nói.

Với quyết tâm mở rộng quy mô, Tập đoàn Mường Thanh đã quyết định xuống Hà Nội để đầu tư xây dựng khách sạn thứ 2 – Mường Thanh Linh Đàm vào tháng 7/2003. Đây được xem là quyết định mạo hiểm của Chủ tịch Thản. Bởi thời điểm đó, bởi Mường Thanh vẫn chưa có kinh nghiệm đầu tư tại Thủ đô, trong khi vốn còn hạn chế.

Mặc dù vậy, với khả năng chèo lái khéo léo, Chủ tịch Thản cùng các cộng sự đã đưa con tàu Mương Thanh tiếp tục vươn ra nhiều tỉnh thành trên cả nước với việc khai trương nhiều khách sạn từ 3 – 5 sao trên cả nước. Có thể kể đến như khách sạn Mường Thanh Vinh (tháng 10/2005), Mường Thanh Lai Châu (11/2005), Mường Thanh Grand Hạ Long (tháng 9/2010), Mường Thanh Lạng Sơn (11/2010), Mường Thanh Grand Nha Trang (tháng 4/2013), Mường Thanh Luxury Sông Lam (tháng 5/2013), Mường Thanh Holiday Huế (tháng 8/2013), Mường Thanh Luxury Quảng Ninh (tháng 12/2013), Mường Thanh Luxury Nha Trang (tháng 12/2014)…

Đặc biệt, vào tháng 10/2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh được thành lập với vai trò điều phối chung hoạt động của hệ thống khách sạn Mường Thanh. Con gái lớn của Chủ tịch Lê Thanh Thản – chị Lê Thị Hoàng Yến được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. Chỉ gần 5 năm sau ngày nhận chức Lê Thị Hoàng Yến đã liên tiếp mở rộng thương hiệu Mường Thanh tới nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thậm chí còn hướng đến các vùng kinh tế mới như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…nâng tổng số khách sạn từ 13 vào năm 2012 lên con số 50 và được chứng nhận kỷ lục sở hữu “Chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Dương” vào giữa năm 2017.

Đặc biệt, vào cuối tháng 7/2016, Tập đoàn Mường Thanh đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên mở một khách sạn tại thị trường nước ngoài. Đó là khách sạn Mường Thanh Luuxry Vientiane tiêu chuẩn 5 sao tại Thủ đô nước bạn Lào.

Khách sạn khai trương mới nhất trong chuỗi 53 khách sạn và dự án khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh là khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam tiêu chuẩn 5 sao (nằm tại Tp. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Khách sạn chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/6 vừa qua với quy mô 191 phòng nghỉ hiện đại, hệ thống 2 phòng hội nghị có thể tiếp đón 500 khách. Đây cũng là khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại tỉnh này. Tính đến nay, Mường Thanh đang quản lý hơn 9.000 phòng tiêu chuẩn quốc tế từ 3 – 5 sao, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành du lịch – khách sạn tại Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí về bí quyết thành công trong lĩnh vực khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh, chị Lê Hoàng Yến cho hay: “Để có bộ máy tốt, Mường Thanh thực hiện chính sách “cầu hiền” đối với những người Việt đã có kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài. Bởi vậy, nhiều nhân sự cấp cao đã về đầu quân cho Tập đoàn. Cách đây 5 năm, văn phòng Tập đoàn Mường Thanh chỉ có 2 người, giờ đã có trên 100 người giỏi chuyên môn và tâm huyết với công việc”.

“Tiêu chí làm khách sạn của chúng tôi là ‘lấy giá rẻ, nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh’. Cùng là 5 sao nhưng giá phòng khách sạn của Mường Thanh chỉ bằng một nửa khách sạn của Tây. Ví dụ, khách sạn của các hãng nước ngoài giá 150 USD/đêm, thì khách sạn của Mường Thanh chỉ 60-80 USD/đêm”, chị Yến chia sẻ.

Trong tâm thế của thế hệ những người đầu tiên xây dựng tập đoàn, chú Cao Đăng Chính khẳng định: “Tập đoàn Mường Thanh vượt qua bao nhiêu khó khăn, lớn mạnh như ngày nay xuất phát từ ý chí, nghị lực và hoài bão của bác Thản,. Còn anh em chúng tôi, những người tham mưu, giúp việc cũng cảm thấy vô cùng tự hào vì bác đã thực hiện được hoài bão của mình”.

Cũng theo chú Chính, hiện tại đang là giai đoạn chuyển giao giữa 2 thế hệ lãnh đạo, khó khăn còn nhiều, nhưng thành công chắc chắn đến nếu mỗi người Mường Thanh giữ vững niềm tin vào sự chèo lái của người đứng đầu tập đoàn.

H.L