Khám phá vẻ đẹp nông thôn qua những cây cầu cổ
(Dân trí) - Các cây cầu nhỏ, một số có niên đại hàng trăm năm, vẫn có sức cuốn hút riêng và góp phần thúc đẩy xu hướng du lịch khám phá vẻ đẹp nông thôn.
Tác giả, nhà văn tự do Peter Neville-Hadley sống tại Vancouver, Canada. Với kinh nghiệm hơn 20 năm sống và làm việc tại Trung Quốc, ông đã viết nhiều sách hướng dẫn và tham khảo về văn hoá và du lịch Trung Quốc.
Trong bài viết đăng trên báo SCMP xuất bản tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 16/10, Neville-Hadley kể lại hành trình khám phá các “langqiao” (corridor bridges - đường cầu, cầu kiểu hành lang) được thiết kế và trang trí công phu ở miền nam tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Một số cầu có mái che kiểu nhà dài. Số khác ngang hàng thẳng lối gợi liên tưởng tới bộ phim nổi tiếng “The Bridges of Madison County” (Những cây cầu ở quận Madison) năm 1995 của đạo diễn Mỹ Clint Eastwood, nhưng mang đặc điểm Trung Quốc.
Dưới đây là một số trong 27 “langqiao” ở Chiết Giang mà Neville-Hadley đã trải nghiệm với mong muốn góp phần thúc đẩy xu hướng du lịch khám phá những vẻ đẹp nông thôn thanh bình, trong lành, ít đám đông…
Cầu Xianjuqiao có mái ngói tạo thành đường vòng cung duyên dáng. Lớp vỏ ngoài thân cầu được thiết kế kiểu “xếp nếp” để che chắn cho các tấm gỗ dài nâng đỡ thân cầu được “gắn” khéo léo trên các bệ đá.
Tới nay dù đã qua sửa chữa, nhưng phần lớn gỗ làm cầu ban đầu vẫn được bảo tồn khá tốt.
Cây cầu có vị trí đẹp nhất là Santiaoqiao, nằm trên con đường dẫn tới làng Zhouling, gần huyện Thái Thuận (thuộc thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang).
Cầu Santiaoqiao trông như một ngôi nhà dài và mỏng, vắt ngang sông tại nơi hội tụ 3 con đường mòn nhấp nhô kiểu ruộng bậc thang. Bên trong cầu có ghế ngồi để nông dân có thể nghỉ ngơi tránh nắng.
Trong làng Zhouling cũng còn một số di tích và dinh cơ cổ từ thời nhà Minh. Trong đó có cầu Yuwenqiao, bên trong có cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên - nơi cư dân thờ cúng các đấng thần linh bảo vệ cầu và người qua lại.
Đi tiếp về phía đông tới Sankui có 2 cây cầu lớn hơn là Xuezhaiqiao và Beijianqiao.
Cầu Xuezhaiqiao nổi bật hơn với phần thân sơn màu đỏ đậm, trên mái có gắn linh vật bằng gốm nhiều màu sắc.
Cầu có niên đại từ năm 1405 và hầu như không hề qua phục chế, vẫn giữ nguyên hình dáng trông như 2 dinh thự 2 tầng có đầu hồi, với những mái hiên cong được kết nối với nhau. Phía trên mái gắn rồng đầu xanh, thân vàng.
Thôn Xiaocun ở cách đó khoảng 1 giờ đi xe bus về phía tây bắc. Trong số những cây cầu tại đây có hình dáng bắt mắt nhất là Wenxingqiao, tiếng địa phương gọi là “cầu con rết”.
Cầu được kết cấu theo kiểu những bậc đá dốc dần lên cao rồi đổ xuôi xuống dưới ở đầu bên kia, khiến cho phần giữa cây cầu 2 tầng có mái hiên này như bị vặn ngược và nghiêng hẳn đi trông rất lạ…