Khám phá miền Trà Lân xứ Nghệ
(Dân trí) - Miền Tây Nghệ An là một trong các vùng lõi di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất ASEAN với Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, sự phong phú về đa dạng sinh học là những điểm đến cho khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu.
Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng nguồn thu cho cộng đồng dân cư và các địa phương…
Đoàn công tác của Sở Du lịch Nghệ An, cùng các đơn vị lữ hành lớn của Hiệp hội Du lịch Nghệ An, CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, phóng viên các hãng báo chí, truyền thông do Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch làm trưởng đoàn đã đi đánh giá thực tế tuyến điểm theo chủ đề: Hành trình về Miền Trà lân xứ Nghệ tại các huyện: Con Cuông, Tương Dương và Tân Kỳ. Các bản làng được khảo sát thực tế như: bản Quang Phúc, bản Lau, bản Mác, rừng Săng Lẻ, thác Khe Kèm, Sông Giăng Phà Lài, bản Khe Rạn, bản cổ Thái Minh, Kẻ Giếng, Kẻ On, Km0 đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)…
Đây là dịp để các doanh nghiệp lữ hành, báo chí khảo sát thực tế, gặp gỡ và trao đổi với các đối tác nhằm hợp tác, liên kết xây dựng các tour du lịch mới phục vụ du khách. Đồng thời, là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước con người ở Miền tây xứ Nghệ, giới thiệu các điểm đến với dịch vụ du lịch mới tới đông đảo các đơn vị lữ hành và các hãng báo chí truyền thông quy mô lớn.
Việc tổ chức khảo sát còn góp phần kết nối tour tuyến liên kết của các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung đến với Miền tây Nghệ An cũng như liên tuyến quốc tế sang nước bạn Lào thông qua Quốc lộ 7A và Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Nậm Kan.
Miền tây xứ Nghệ còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ học như: Di chỉ Làng Vạc - một di tích khảo cổ học cấp quốc gia; hang Thẩm Ồm, Hang Bua (Quỳ Châu) vừa là thắng cảnh tự nhiên vừa là những di tích lịch sử.
Miền tây Nghệ An còn là một vùng đất đa dạng về văn hóa với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống: múa sạp, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; điệu “suối, lăm, khắp” của người Thái; hát tơm của dân tộc Khơ Mú;… đã trở thành những sinh hoạt văn hóa mang sắc thái riêng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Phong tục tập quán và lễ hội rất đa dạng và phong phú, đậm chất dân gian: lễ hội Làng Vạc ở Nghĩa Hòa; Lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong; Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu; Lễ hội Mường Ngam ở Quỳ Hợp, Lễ hội uống nước nhớ nguồn 27/7 ở nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào huyện Anh Sơn…
Mặc dù đã có những cố gắng nhất định, nhưng lượng khách đến các điểm theo loại hình du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An những năm qua còn rất ít, doanh thu về du lịch rất thấp, đóng góp không đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương.
Nguyên nhân của tình hình trên trước hết phải kể đến là chất lượng nguồn lao động tại chỗ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu sự liên kết trong công tác chỉ đạo của các ban ngành, thiếu các dự án hỗ trợ ban đầu về du lịch cộng đồng trong người dân… Công tác quảng bá còn các tài nguyên du lịch chưa được coi trọng đúng tầm.
Một số hình ảnh điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ được PV Dân trí ghi lại:
Nguyễn Duy