Khách Việt chi 20 triệu đồng lặn biển, ngắm đại dương ở "thiên đường" Bali
(Dân trí) - Trong 12 ngày khám phá nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch Bali, anh Vinh Gấu dành hẳn một tuần cho trải nghiệm lặn tại một số vùng biển như Tulamben, Lovina, Nusa Penida...
Đầu tháng 5 vừa qua, blogger Vinh Gấu (tên thật là Lê Viết Vinh, sống ở TPHCM) cùng nhóm bạn quyết định du lịch Bali (Indonesia) - một trong những cái tên thuộc danh mục điểm đến "xuất ngoại" năm 2022 của anh sau hơn 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19.
Chàng trai trẻ cho biết, bản thân có niềm đam mê đặc biệt với lặn biển nên chọn điểm đến là Bali - nơi được mệnh danh là thiên đường cho những trải nghiệm khám phá thế giới dưới nước.
"Nhờ cách người dân ở Bali luôn quan tâm, giữ gìn biển mà hệ sinh thái biển tại đây rất đa dạng và nhiều màu sắc. Chưa kể, bây giờ đã có thể bay thẳng từ TPHCM và Hà Nội đến Bali mà không phải quá cảnh như trước nữa.
Việc này giúp du khách rút ngắn thời gian bay và tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá. Ngoài ra, việc nhập cảnh vào Bali hiện tại đã được nới lỏng, thuận tiện cho khách du lịch đến đây lặn biển và khám phá mọi thứ", blogger Vinh Gấu chia sẻ lý do đến Bali.
Thủ tục nhập cảnh
Trước khi du lịch Bali, blogger Vinh Gấu chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ gồm:
- Chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 tối thiểu 2 mũi
- Xác nhận Âm tính khi test PCR trong vòng 72 tiếng trước giờ bay. Du khách có thể tìm voucher để được test miễn phí khi bay với hãng hàng không Vietjet.
- Chứng nhận bảo hiểm du lịch có chi phí điều trị Covid-19 tối thiểu 25.000 USD
- Cài đặt ứng dụng Penguin Lindungi
- Vé máy bay khứ hồi
Với hộ chiếu Việt Nam, du khách sẽ không phải xin Visa On Arrival khi nhập cảnh Bali nữa và được lưu trú tại đây tối đa 30 ngày liên tục cho mỗi lần nhập cảnh. Khi bay về, du khách chỉ cần xuất trình chứng nhận Âm tính khi test nhanh trong vòng 24 tiếng trước giờ bay.
Từ ngày 15/5, Việt Nam tạm thời dừng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với khách nhập cảnh nên du khách từ Bali về không cần giấy chứng nhận Âm tính.
Di chuyển
Chuyến đi đến Bali của blogger Vinh Gấu cùng nhóm bạn kéo dài 12 ngày, qua nhiều vùng khác nhau với những trải nghiệm độc đáo. Đặc biệt, anh dành một tuần cho việc đi lặn tại một số vùng biển như Tulamben, Lovina, Nusa Penida,... Thời gian còn lại, chàng trai trẻ chọn tận hưởng, thư giãn ở Ubud và Canggu.
Vị du khách đến từ TPHCM chọn địa điểm lặn biển, ngắm cá đuối Manta Ray ở Manta Point, hướng về phía Tây của đảo Nusa Penida với hành trình chia thành hai chặng.
Chặng 1, anh di chuyển từ cảng Sanur thuộc đảo lớn để qua đảo Nusa Penida bằng tàu cao tốc. Thời gian di chuyển khoảng 45 phút. Mỗi ngày có khá nhiều chuyến tàu từ nhiều hãng khác nhau khởi hành đến đảo Nusa Penida, du khách cần kiểm tra kỹ lịch tàu đi và về để đặt vé cho thuận tiện. Chi phí khoảng 250.000 IDR/vé khứ hồi (gần 400.000 đồng).
Chặng 2 kéo dài từ cảng tàu Nusa Penida đến điểm lặn Manta Point. Blogger trẻ cùng 3 người bạn thuê một chiếc cano để di chuyển ra địa điểm này.
"Vì quãng đường khá là xa nên điểm đến này thường không nằm trong danh sách các điểm lặn mà khách du lịch tham gia. Chi phí thì tùy theo thỏa thuận với bên chủ tàu, dao động từ khoảng 1.300.000 - 2.000.000 IDR (khoảng 2 - 3,1 triệu đồng) cho một chuyến tàu riêng với nhóm 4-6 người", anh Vinh nói.
Trải nghiệm
Du khách này nhấn mạnh, Manta Point là điểm lặn phù hợp cho các bộ môn lặn như lặn bình khí (scuba dive), lặn tự do (freedive) và lặn snorkeling. Đặc biệt, trải nghiệm lặn bình khí đòi hỏi nhiều yêu cầu về nhân sự và thiết bị nên du khách có thể phải chi trả thêm 800.000 IDR (khoảng 1,2 triệu đồng) cho một ca lặn trong 60 phút.
"Bạn cần có chứng chỉ lặn từ các tổ chức lặn biển thế giới cấp như là SSI, PADI để tham gia bộ môn lặn với bình khí này. Còn với lặn tự do, thông thường các du khách đã có sẵn dụng cụ như là chân vịt freedive (fins), kính lặn (mask), ống thở (snorkel) và áo lặn (wetsuit) nên chỉ tốn thêm chi phí thuê tàu chạy ra điểm lặn.
Hoặc với lặn snorkeling thì không đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm gì cả. Bên phía tàu sẽ chuẩn bị sẵn các dụng cụ để tham gia trải nghiệm này như áo phao, chân vịt, kính lặn và ống thở. Độ an toàn của bộ môn này khá cao và phù hợp với số đông du khách", blogger trẻ tiết lộ thêm.
Ở điểm lặn Manta Point thường xuất hiện nhiều con cá Manta Ray bơi lượn lờ cách mặt nước chỉ khoảng 5m nên du khách tham gia trải nghiệm lặn snorkeling cũng đủ để ngắm loài cá khổng lồ này từ trên thuyền. Nếu muốn thử cảm giác thú vị hơn, du khách chọn lặn tự do hoặc lặn với bình khí để có thể bơi gần cá Manta Ray, chiêm ngưỡng kích thước "khủng" của chúng.
Trước khi đi lặn biển, nhóm du khách Việt phải liên tục kiểm tra với bên chủ tàu về điều kiện nước, sóng, thời tiết và khả năng gặp cá Manta Ray. Theo thông tin từ người dân địa phương, điểm lặn Manta Point thường có loài cá Manta bơi lội quanh năm. Nhưng vào khoảng tháng 1,6,7,8 và tháng 12 hàng năm là thời điểm cá xuất hiện với số lượng đông nhất.
"Lúc vừa tới điểm lặn, từ trên tàu, chúng mình đã thấy bóng dáng của những con Manta Ray đang bơi dưới biển rồi. Điều này khiến ai cũng háo hức, muốn nhảy ùm xuống biển để gặp bằng được loại cá này ở ngoài đời thực vì đã tốn khá nhiều tiền và công sức để di chuyển tới đây", chàng trai đến từ TPHCM nhớ lại.
Chuyến lặn biển lần này, anh Vinh Gấu và nhóm bạn cảm thấy may mắn vì được chiêm ngưỡng trực tiếp 4 con Manta Ray đang bơi xung quanh. Cảm giác ngắm đàn cá xuất hiện dần từ xa khiến ai nấy đều thích thú.
"Đàn cá càng đến gần, mọi người thấy chúng càng to. Nhưng sinh vật này rất hiền, không gây nguy hiểm nếu con người không làm hại hay tấn công chúng. Nhóm mình cũng chủ động giữ khoảng cách và không đụng vào cá để đảm bảo an toàn", anh cho hay.
Ngoài trải nghiệm lặn biển, ngắm cá đuối khổng lồ, blogger Vinh Gấu gợi ý, du khách có thể đến đảo Nusa Penida, nghỉ ngơi một hoặc vài đêm tại đây để thoải mái khám phá. Bởi xung quanh đảo này có rất nhiều điểm lặn và trung tâm lặn biển khác nhau, nếu may mắn, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cá Mặt trăng Mola Mola đặc trưng của vùng biển này.
Chạy xe máy đi vòng quanh, ngắm những bãi biển tuyệt đẹp như bãi biển Diamond Beach (phía đông của đảo) hay Kelingking Beach, Broken Beach, Crystal Bay (phía tây đảo) cũng là một trong những trải nghiệm hút khách tại Nusa Penida.
Ẩm thực
Blogger Vinh Gấu nhận xét, so với Việt Nam, ẩm thực Bali không có nhiều lựa chọn và đặc sắc bằng nhưng luôn có sự cuốn hút riêng trong từng món ăn. Điểm ấn tượng nhất mà du khách này yêu thích chính là sự tươi ngon của nguyên vật liệu dùng để nấu như rau củ hữu cơ giúp món ăn dậy mùi thơm hay cá tươi, có độ ngọt và "mọng nước". Ngoài ra, đồ ăn ở Bali đa phần đều có vị cay.
Tuy nhiên, điểm trừ là các món ăn ở Bali quá nhiều dầu mỡ khiến du khách dễ cảm thấy bị ngấy. Tại đây, người dân địa phương cũng ăn cơm, mì xào, rau trộn,… nhưng sử dụng tay không bốc thức ăn nhiều hơn là dùng muỗng, nĩa. Thói quen này giúp họ cảm nhận trọn vị hương vị của món ăn hơn, đồng thời thể hiện lòng thành kính với đồ ăn theo quan niệm tâm linh.
Chàng trai trẻ cho biết, khi thăm thú ở Bali, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những món ăn phổ biến như nasi goreng (cơm chiên), mie goreng (mì xào), ikan bakar (cá nướng hoặc chiên ăn kèm với cơm trắng), babi guling (những món ăn được làm từ thịt heo quay),… và sốt ăn kèm phổ biến là sambal (được làm từ ớt đỏ) hoặc sambal matah (được trộn giữa hành tím thái mỏng, ớt, xả và dầu dừa).
Chi phí
Với trải nghiệm lặn biển, nhóm khách 4 người của blogger Vinh Gấu tốn tổng cộng gần 4 triệu đồng. Trong đó, vé tàu từ Sanur đi Nusa Penida giá 1.000.000 IDR (hơn 1,5 triệu đồng) và vé tàu cano riêng đến Manta Point giá 1.500.000 IDR (2,3 triệu đồng).
Theo anh Vinh, Bali có thể nói là nơi hiếm hoi mà chi phí cho lưu trú khá thấp so với chất lượng phòng. Du khách dễ dàng tìm kiếm một villa gồm 2-3 phòng rộng rãi, có hồ bơi riêng với tầm nhìn tuyệt đẹp giá chỉ 1.5-2 triệu đồng/đêm. Để có được giá tốt nhất, khách du lịch nên đặt phòng sớm hoặc có thể gọi điện trực tiếp và thỏa thuận giá.
"Bali rộng tới khoảng 5.700km2 nên tùy vào nhu cầu và sở thích, bạn có thể chọn khu vực lưu trú cho phù hợp. Nếu thích cảnh đồng lúa và thư giãn hơn, bạn hãy chọn ở Ubud, còn muốn không khí nhộn nhịp và sôi động về đêm, bạn nên đến Canggu. Còn ở Nusa Penida, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên và thoải mái tận hưởng những bãi biển đẹp", blogger chia sẻ.
Kết thúc 12 ngày lưu trú và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Bali, anh Vinh cùng nhóm 3 người bạn tiêu tốn hết gần 20 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay khứ hồi 7 triệu đồng/vé, khách sạn 500.000 - 700.000 đồng/người/đêm, ăn uống 300.000 đồng/ngày/người.
"Nhóm mình đi đông, lại ưu tiên thưởng thức ẩm thực ở nhiều quán địa phương nên chi phí khá rẻ, lại được trải nghiệm thoải mái mà không tốn quá nhiều tiền. Tuy nhiên, tùy nhu cầu và tiêu chí của du khách mà chi phí có thể cao hơn nếu ăn uống tại nhà hàng hay nghỉ ngơi ở khách sạn hạng sang", anh Vinh cho hay.