Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt

Diệp Bình

(Dân trí) - Đi bộ về phía cuối con dốc, Christian (34 tuổi) ngạc nhiên khi thấy bức tượng khủng long chắn ngang. "Tôi thật sự không hiểu ý đồ của người thiết kế" - chàng trai người Đức thắc mắc.

Đà Lạt có đang bị "bão hòa"?

Giữa tháng 4/2023, Christian có kỳ nghỉ ở Việt Nam và quyết định dành 4 ngày khám phá Đà Lạt. Anh hứng thú với kế hoạch này bởi Đà Lạt được mô tả là thành phố cao nguyên - nơi có thác nước hùng vĩ, bầu không khí trong lành và triền dốc thơ mộng.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, những gì Christian tìm thấy ở Đà Lạt là vô số quán cà phê cùng những mô hình, tượng để chụp ảnh. Nam du khách tò mò về "bàn tay vàng" có mặt ở thành phố ngàn hoa.

Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt - 1

Những bức tượng không ăn nhập với cảnh quan ở Đà Lạt (Ảnh: Diệp Bình).

"Tôi đã thấy một cây cầu tương tự ở Đà Nẵng, thật kỳ lạ khi nó cũng xuất hiện ở Đà Lạt và nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Có lẽ, gu du lịch mỗi người sẽ khác nhau. Với người Đức, họ có thể dành cả ngày để đi bộ và tận hưởng cảnh quan thiên nhiên. Tôi thích đến thác nước, núi Langbiang hơn là chụp ảnh với những mô hình nhân tạo vô hồn", anh nói.

Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt - 2

Cây cầu Vàng "nhái" ở Đà Lạt (Ảnh: Diệp Bình).

Theo thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam trong kỳ nghỉ lễ 30/4, cả nước đã có 7,3 triệu lượt khách. Trong đó, Thanh Hóa trở thành "ngôi sao sáng" dẫn đầu khi đón khoảng 1.195.000 lượt khách, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo đó là Cần Thơ với 982.000 lượt khách, TPHCM 950.000 lượt và Hà Nội 719.000 lượt khách, công suất phòng trung bình 58,4%.

Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt - 3

Quảng trường Lâm Viên vắng người trưa 2/5 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo danh sách này, Đà Lạt, thành phố được kỳ vọng bứt phá trong dịp lễ 30/4 lại bất ngờ "hạ nhiệt" chỉ đón khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng . Chị T.V (ngụ TPHCM) đã chọn thành phố ngàn hoa là điểm du lịch trong kỳ nghỉ vừa qua.

"Những tưởng đường sá, quán ăn, chợ đêm… sẽ đông đúc nhưng mọi thứ lại diễn ra ngược lại. Đà Lạt vắng khách, giá cả không tăng và thời tiết khá nóng", chị nói. Các địa điểm như quảng trường Lâm Viên, Hồ Xuân Hương… không nhiều người đến chụp ảnh như mọi khi.

Theo lý giải của anh Duy Nguyên, Giám đốc đơn vị chuyên nghiên cứu, xây dựng, quản lý các cộng đồng yêu du lịch tại Đà Lạt, số lượng khách giảm có thể đến từ nhiều nguyên nhân.

Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt - 4

Nhiều du khách mong Đà Lạt giữ được vẻ đẹp tự nhiên (Ảnh: Ngọc Ngân).

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự bão hòa của du lịch Đà Lạt. "Có quá nhiều địa điểm từ ăn uống đến check-in chụp ảnh. Mỗi tháng, Đà Lạt ra mới từ vài chục quán, ai ai cũng chạy quảng cáo với hy vọng gỡ được tiền đầu tư. Tuy nhiên, nhà nào cũng chạy quảng cáo mà khách thì chỉ có bấy nhiêu nên các điểm biết làm truyền thông thì khách nườm nượp, và phần còn lại thì ngồi "đuổi ruồi", anh cho biết.

Trong dịp lễ vừa qua, anh Duy Nguyên cũng đã vận động các kênh truyền thông cân nhắc, hạn chế chia sẻ hình ảnh Đà Lạt đông đúc, kẹt xe, không đúng với thực tế. Bởi lẽ, điều này sẽ cho khách tâm lý ngại lên, bon chen thay vì cái nhìn tổng quan.

Anh chia sẻ thêm, nếu so sánh với các kỳ nghỉ lễ những năm qua, Đà Lạt đã số lượng khách giảm đáng lưu ý. Đồng thời tăng thêm nhiều nỗi lo cho các điểm lưu trú, nhà hàng chờ khách đoàn.

Khách vẫn yêu Đà Lạt nhưng…

Khách Tây hoảng hồn vì cầu Vàng nhái, tượng vô hồn như… dọa ma ở Đà Lạt - 5

Chị Thủy Vy đã có 6 lần đến Đà Lạt (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Thủy Vy (SN 1998) vốn "nghiện" Đà Lạt và đã có 6 lần đến đây. Tuy nhiên, hiện tại, chị cảm nhận Đà Lạt đang mất dần chất riêng. Ngoài không khí lạnh đặc trưng, các quán cà phê, khu vui chơi… trông na ná nhau về phong cách, không có hệ thống, định hướng.

"Mình đến Đà Lạt nhiều lần vì khí hậu dễ chịu, mang đến cảm giác sảng khoái, nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác thất vọng. Một số đơn vị cố gắng xây dựng những khung cảnh nhân tạo càng ảnh hưởng đến cảnh quang tự nhiên của Đà Lạt.

Đồng thời, các quán cà phê có nước uống không quá đặc sắc, do xu hướng mọi người chỉ đến để chụp ảnh. Quán xuất hiện trước sẽ nổi tiếng, nhiều quán sau ra đời cũng với phong cách trang trí tương tự", chị chia sẻ.

Anh Bảo Lâm, nhân viên điều hành tour thuộc một công ty tại quận 1, cho biết Đà Lạt vẫn là điểm đến yêu thích của khách với sự đa dạng về cảnh điểm, khí hậu ôn hòa. Đơn vị anh chuyên tour dành cho khách Trung Quốc, họ thường có thói quen dành 8-10 ngày để trải nghiệm TPHCM, Nha Trang, Đà Lạt…

Riêng lịch trình Đà Lạt thường sẽ kéo dài 2-3 ngày, đi đến thiền viện, thác Datanla, nông trại dâu, cánh đồng hoa, vườn thú… Tuy nhiên, theo nhận xét của anh, Đà Lạt phong phú về địa điểm nhưng không có nhiều nội dung mới. Khách du lịch đến chụp ảnh rồi rời đi, sẽ không có nhu cầu trở lại những địa điểm này để khám phá, trải nghiệm lần nữa.

"Tôi tin rằng khách vẫn yêu Đà Lạt. Chúng tôi có mong muốn đưa họ quay trở lại lần 2, lần 3, lần 4… Tuy nhiên, để làm được điều đó, Đà Lạt cần có sự cân bằng giữa việc phục vụ thị hiếu khách du lịch và phát triển bền vững", anh nói.