Khách đến Đà Nẵng vẫn muốn quay lại vì thành phố "không chỉ đẹp mà còn lạ"
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, không phải tự nhiên Đà Nẵng được mệnh danh là "nơi đáng sống và nơi đáng đến". Thành phố này có nhiều "cái lạ" và "cái không".
Thống kê từ Sở du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng đón 1,27 triệu lượt khách nội địa (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2021), khách quốc tế ước đạt 57,8 nghìn lượt.
Nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Danh thắng Ngũ Hành Sơn…
Công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần tại các khách sạn ven biển đạt 70-75%.
Đáng chú ý, chỉ riêng trong ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, đây là con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra.
Du lịch Đà Nẵng cũng được vinh danh với giải thưởng, danh hiệu quốc tế lọt top 25 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 do Trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố; Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) bình chọn Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI)...
Đà Nẵng là nơi "đáng sống, đáng đến" vì có nhiều "cái lạ" và "cái không"
Chia sẻ tại hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" được tổ chức tại Đà Nẵng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, không phải tự nhiên Đà Nẵng được mệnh danh là "nơi đáng đến và nơi đáng sống".
"Đà Nẵng có nhiều cảnh quan đẹp, món ăn ngon đã được xếp hạng cao không chỉ trong nước mà trên thế giới. Thế nhưng, người ta đến Đà Nẵng không chỉ vì đẹp mà còn lạ. Đà Nẵng rất nhiều cái lạ.
Đơn cử như việc vào các hàng quán, khách ít khi phải mặc cả như nhiều nơi khác. Chủ quán nói sao bán vậy. Tính cách của con người Đà Nẵng cũng rất khác. Thứ nữa là Đà Nẵng có rất nhiều thứ đáng trải nghiệm, khiến du khách đến một lần lại muốn đến lần thứ hai", ông Thiên nói.
Ngoài ra, theo ông Thiên Đà Nẵng là nơi "đáng sống" vì thiên nhiên tốt, không khí sạch, xã hội yên bình và có rất nhiều "không": Không trộm cắp, không cướp giật…
TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng đồng tình và cho rằng "Đà Nẵng hiện là điểm đến số một và tốt nhất Việt Nam". Đà Nẵng có tất cả mọi thứ để phát triển du lịch: Đô thị xinh xắn, có biển đẹp, núi non và không gian hệ sinh thái hấp dẫn, đa dạng.
Chuyên gia này cho rằng, Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, theo TS Lương Hoài Nam, nếu với cả nước du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng.
"Du lịch Đà Nẵng còn rất nhiều cơ hội phát triển. Đà Nẵng có diện tích rộng gấp 1,5 lần so với Singapore nhưng chúng ta vẫn đón ít khách quá", ông Nam nói và cho rằng Đà Nẵng phải có tham vọng không chỉ là điểm đến hàng đầu Việt Nam mà phải đặt mục tiêu trở thành điểm đến số một ở Châu Á.
Đà Nẵng phải hướng đến đối tượng khách siêu giàu, tỷ phú
Để làm được điều này, TS Lương Hoài Nam cho rằng thành phố cần sớm có đề án hình thành hệ sinh thái du lịch cho đối tượng siêu giàu và tỷ phú.
"Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu. Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi một khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà Nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu", ông Nam nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng để đón được nhiều khách quốc tế hơn, cần sớm "cởi trói" visa. Thái Lan hiện miễn visa cho 62 nước, Singapore và Malaysia miễn visa khoảng 120-130 nước, Việt Nam mới chỉ miễn cho 24 nước là "quá ít".
"Tôi đi tiếp thị du lịch quốc tế nhiều rồi nhưng cứ nói đến visa là khách quốc tế oải lắm. Họ muốn đi đến đâu được chào đón chứ không phải họ tiếc chi phí làm visa đặc biệt là ở các thị trường lớn như Mỹ hay các nước Châu Âu", ông Nam nói.
Tại hội thảo, ông Nam cũng nêu một lo ngại về lâu dài, nếu không cẩn thận, sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Theo ông Nam sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30- 40 triệu khách/năm và phát triển nhanh về phía Đông. Việc này phải nhanh để đón cơ hội sau đại dịch.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và khả năng trở thành trung tâm du lịch. Tuy nhiên, để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn thì vẫn còn thiếu một vài mảnh ghép.
Ông Dũng phân tích, Đà Nẵng là trung tâm du lịch biển, nơi đầu biển cuối sông nhưng đến thời điểm này dù rất cố gắng vẫn chưa có sản phẩm nào vươn ra biển cho du khách.
Hiện chỉ có mấy dịch vụ dù bay dù lượn nhưng còn nhỏ lẻ. Đà Nẵng cần khai thác được hệ sinh thái ra ngoài vịnh quanh bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Làng Vân, Bãi đá đen, Cát Vàng, Tiên Sa, Bãi Nam…
Về các loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, show diễn, đặc biệt trải nghiệm về đêm Đà Nẵng đã có nhưng vị chuyên gia này đánh giá vẫn còn thiếu. Hiện, Đà Nẵng cần có phố đi bộ, chợ đêm, đặc biệt show diễn.
Hàng Châu (Trung Quốc) có show diễn Tống Thành hay Hội An chúng ta có "Ấn tượng Hội An" nhưng Đà Nẵng chưa có một show diễn nào đủ đẳng cấp để khách đến xem buổi tối.
Ông Dũng cũng cho rằng, Đà Nẵng cần nhiều hơn những sự kiện đẳng cấp, chuyên nghiệp được mong chờ như "Lễ hội Pháo hoa". Ngoài ra, các trải nghiệm hướng tới đối tượng siêu giàu, tỷ phú cũng cần phải được đẩy mạnh.
"Hiện đã có tour trực thăng rồi, Đà Nẵng cần đưa thêm nhiều dịch vụ sang trọng nữa, trong đó có du thuyền. Đà Nẵng phải sản xuất được du thuyền, phải có trung tâm du thuyền", ông Dũng nói.
Chia sẻ về việc phát triển các sản phẩm du lịch hút khách ở Đà Nẵng, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cho rằng, dù dịch bệnh đã được kiểm soát song du lịch vẫn ảnh hưởng nặng nề. Trước Covid-19, năm 2019, Đà Nẵng đón khoảng hơn 10 triệu lượt khách, hiện tại còn rất nhiều việc phải làm để đạt được con số đáng mơ ước đó.
"Chúng tôi quan điểm rằng, nếu Đà Nẵng đã đáng sống rồi, thì phải làm cho đáng sống hơn nữa, đặc sắc hơn nữa. Và chính những công trình của Sun Group cũng phải đặt mục tiêu là công trình sau phải làm khác biệt hơn, phải đặc biệt hơn và phải đặc sắc, thu hút hơn nữa…
Khi chúng tôi trở lại trong năm nay, ngay khi du lịch mở cửa vào ngày 15/3 chúng tôi mong muốn, du khách đến Đà Nẵng sẽ phải Wow lên thích thú, muốn ở lại, muốn quay trở lại. Điểm đến có thể cũ nhưng phải có sức sống mới, có những điểm mới bằng những sản phẩm du lịch. Đây cũng là điều mà chúng tôi đặt mục tiêu và quyết tâm thực hiện để mang những trải nghiệm mới mẻ làm sao khách đến Đà Nẵng rồi nhưng vẫn sẽ muốn quay trở lại", bà Trần Nguyện bày tỏ.