Khách Campuchia đến Việt Nam chi 800 USD/người, vì sao còn bỏ ngỏ?

Thúy Thanh

(Dân trí) - Số lượng khách Campuchia vào Việt Nam đang ngày càng đông tuy nhiên, đến nay ngành du lịch vẫn chưa có sự đầu tư xứng đáng để thu hút mạnh thị trường khách tiềm năng này.

Khách Campuchia mạnh tay chi tiêu khi đến Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách Campuchia vào Việt Nam đạt hơn 95.000 lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nhóm khách đang xuất hiện ở vị trí cao trong các thị trường đưa khách vào Việt Nam, khu vực châu Á.

Từ sau Covid-19, người Campuchia làm các thủ tục để đến Việt Nam ngày càng đông. Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) vào những ngày cuối tuần ghi nhận lượng xe ra vào liên tục. Trong khoảng 1 tiếng, có 4 - 5 chiếc xe khách, loại 29 chỗ và một số xe du lịch theo tour (45 chỗ) có hướng dẫn viên, mỗi đoàn từ 24-40 người. 

Dù đường bay giữa hai nước đã bắt đầu được nối lại nhưng giá vé vẫn cao. Trong khi đó, việc di chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu biên giới đất liền lại khá thuận lợi.

Khi nhập cảnh, mỗi khách phải làm thủ tục hết từ 15 - 30 phút. Bên cạnh đó, chi phí xe khách di chuyển từ Phnom Penh - TP.HCM hai chiều, giá vé chỉ khoảng hơn 500.000 đồng/người. 

"Nhóm khách nhà giàu Campuchia đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Họ sang với mục đích khám chữa bệnh nhưng trong lúc đợi kết quả, nhu cầu đi du lịch, thăm thú của những người này vẫn có. Nếu chủ động cung cấp thêm thông tin, vẫn có thể đón được những khách đi từ Campuchia, dạng đoàn số lượng lớn", ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết.

Khách du lịch Campuchia rất thích đến những điểm du lịch, khu du lịch giải trí sôi động. Thời gian qua khách Campuchia đi Đà Lạt - Nha Trang 6 ngày 5 đêm rất nhiều, các tour đông khách nữa là Hà Nội - Sa Pa - Hạ Long…

"Chúng ta vẫn hay nghĩ thị trường Campuchia chi tiêu thấp, nhưng không phải. Khách du lịch Campuchia chi tiêu ở mức khá tốt.

Ví dụ 1 tour từ Campuchia đi Hà Nội - Hạ Long tổng chi phí có thể lên tới 800-900 USD/người, thì đó không phải là thấp. Khách Campuchia đi Việt Nam chi phí có thể tương đương với chi phí tour đi Hàn Quốc. Khách Campuchia đi Phú Quốc qua đường cửa khẩu Hà Tiên cũng rất nhiều, mỗi đoàn có khi chi 300-400 người, ở ít nhất 3 ngày", ông Thạch Sarame, Tổng Giám đốc Việt Tourism cho biết.

Tại các địa phương có đường biên giới giáp ranh Campuchia như Tây Ninh, Kiên Giang, khách từ quốc gia này được coi là nhóm khách truyền thống của tỉnh. Mỗi dịp lễ Tết, lượng khách này đổ sang đây vui chơi, tham quan, viếng chùa rất đông. 

Theo phân tích của ông Trần Quốc Thịnh, khách Campuchia đến Việt Nam có thể chia thành ba nhóm. Nhóm một là luồng khách từ các tỉnh giáp biên, vào các dịp lễ hội, ngày cuối tuần họ vẫn thường sang Tây Ninh, Kiên Giang vui chơi, mua sắm. 

Luồng khách thứ hai là khách nhà giàu ở các tỉnh, thành phố lớn như Phnom Penh, Sihanoukville, Siem Reap... thường là những gia đình có tiền để đi du lịch, sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Nhóm ba là những khách du lịch dài ngày, họ sang các tỉnh giáp biên giới rồi di chuyển xuống miền Tây, đi TP.HCM, Đà Lạt… 

Khách Campuchia đến Việt Nam chi 800 USD/người, vì sao còn bỏ ngỏ? - 1

Sòng bài Casino Bavet Campuchia gần khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh (Ảnh: Mia).

 Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang định hướng trở thành "thánh địa casino" thu hút giới nhà giàu các nước đến đây. Do vậy, việc hút khách Campuchia còn là cầu nối để thu hút dòng khách quốc tế đến Campuchia rồi sang Việt Nam, tạo thành tour liên kết các quốc gia Đông Nam Á đầy tiềm năng. 

"Trong chiến lược đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, nguồn khách từ Campuchia sẽ rất tiềm năng, có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt", ông Nguyễn Ngọc An, phó giám đốc Vietluxtour chia sẻ.

Tăng cường xúc tiến, liên kết tạo sản phẩm mới để hút khách Campuchia

Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Campuchia chưa được quan tâm đúng mức, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp lữ hành đặt trọng tâm vào thị trường khách Campuchia.

Vấn đề tiếp theo là chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hướng tới dòng khách này, nên thời gian lưu trú khách Campuchia không dài. Vì vậy với thị trường này, hiện các doanh nghiệp chủ yếu khai thác vào số lượng và đang dần chuyển sang giai đoạn chất lượng.

Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cho biết: Trước đây có nhiều đơn vị tổ chức tour cho khách Campuchia nhưng không duy trì được lâu. Sau dịch, xu hướng và nhu cầu của khách Campuchia đã có nhiều thay đổi, họ rất thích Việt Nam vì có biển đẹp, đồ ăn ngon.

Dựa vào những lợi thế này, các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể phát triển các tour chuyên nghiệp, kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa lành, trị liệu… Ngoài ra, các tour caravan, tuyến lái xe xuyên biên giới cũng đang hấp dẫn du khách hai nước. 

"Tôi nghĩ Việt Nam cần quảng bá mạnh hơn nữa, đưa công tác quảng bá xúc tiến du lịch lên tầm cao mới. Những điểm đến biên giới hấp dẫn như Tây Ninh chẳng hạn cũng cần quảng bá nhiều hơn, xúc tiến du lịch nhiều hơn.

Cần cho khách Campuchia thấy tỉnh Tây Ninh có những gì đáng đến, đáng trải nghiệm? Thực tế là khách Campuchia không có nhiều thông tin về du lịch ở Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch phải tự tìm cách quảng bá là chính", ông Thạch Sarame, Tổng Giám đốc Việt Tourism chia sẻ.

Để phát triển du lịch đường bộ bền vững phải phụ thuộc và nhiều yếu tố, trong đó, trước tiên phải đẩy nhanh quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh đưa người, phương tiện qua các cửa khẩu biên giới cần tiến hành nhanh hơn, tạo thuận lợi cho du khách.

Các cơ sở lưu trú và nhà hàng cao cấp của địa phương cũng đang đầu tư, làm mới nhiều để có thể đáp ứng được những đoàn khách lớn, số lượng đông. Cần nghiên cứu thị trường Campuchia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, liên tỉnh: kết nối du lịch tâm linh (Tây Ninh) với du lịch chữa bệnh (TPHCM), du lịch nghỉ dưỡng biển (Phú Quốc, Vũng Tàu), du lịch sông nước Nam Bộ…

Hướng thu hút khách du lịch từ các quốc gia ASEAN, cộng hưởng quảng bá du lịch giữa các nước cũng vô cùng tiềm năng. Hiện nay khách từ Việt Nam đi Campuchia rồi đến Thái Lan nhiều hơn chiều ngược lại. Hiện hầu như chỉ có "Tây ba lô" từ Campuchia đi du lịch tự túc sang Việt Nam là chính, như vậy rất lãng phí tiềm năng.

Liên kết vùng, liên kết giữa các quốc gia trong du lịch là rất quan trọng. Singapore - Malaysia là điển hình, hoặc Bruney - Malaysia tạo sự liên kết du lịch rất chặt chẽ, hay khách đến Malaysia - Indonesia rất nhiều, cảm tưởng chỉ như đi một nước mà thực tế là hai nước.

Ngay trong năm nay, Campuchia đăng cai tổ chức SEA Games 23 và ASEAN Para Games 12, kỳ vọng thu hút từ 250.000 đến 500.000 du khách quốc tế. Nếu làm sớm, làm tốt, quảng bá, xúc tiến du lịch kịp thời có thể đón được luồng khách quốc tế tiềm năng đến Campuchia tham gia đại sự kiện thể thao này và sẽ đi sang Việt Nam tiếp tục hành trình trải nghiệm…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm