Hồn giếng, hồn người đất Hội An

(Dân trí) - Nhiều người khi đến Hội An đều mong muốn uống một ngụm nước từ những cái giếng cổ để thử hương vị thế nào. Vì thế, ở Hội An giờ đây có cả thứ “nước giếng” đặc sản chỉ giành riêng cho du khách…

Tuy nằm rất gần sông nước mặn nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định, kể cả những ngày nắng hạn. Ở Hội An tồn tại một nghề từ xưa đến nay, đó là nghề chở nước giếng thuê.

 

Có những gia đình con nối nghiệp cha, làm nghề ba, bốn đời. Nếu như ở vùng ven, giếng nằm trong các nhà dân và phổ biến kiểu dáng hình tròn thì tại khu phố cổ xuất hiện nhiều nhất là giếng hình vuông và trên tròn dưới vuông.

 

Các giếng này nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa Minh Hương, người Hoa Ngũ Bang. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá.

 

Người xưa bố trí, sắp xếp vật liệu theo những cách khác nhau tùy theo từng kiểu và thường dùng khung gỗ lim ở dưới cùng để bảo vệ. Những chiếc giếng này có niên đại không đồng nhất, hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau của nhiều thế kỷ.

 

Hồn giếng, hồn người đất Hội An
Tuy nằm rất gần sông nước mặn nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định (ảnh: Baophapluat)

 

Đầu tiên phải kể đến giếng Mái nằm ở ngã 5, trước chợ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá. Hay như giếng Bá Lễ nổi tiếng với nguồn nước thanh mát, mạch ngầm dồi dào, là nguồn nước tốt nhất để chế biến món cao lầu trứ danh phố Hội.

 

Giếng có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ sâu khoảng 8m. Nước giếng Bá Lễ còn dùng để phục vụ du khách. Nhiều người khi đến Hội An đều mong muốn uống một ngụm nước giếng này thử hương vị thế nào.

 

Vì lẽ đó, một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học, con đường dẫn vào giếng Bá Lễ trang bị sẵn một chum nước giếng với dòng chữ “Nước giếng dành cho du khách”.

 

“Món đặc sản” này thu hút nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế đến thưởng thức. Khách du lịch Mỹ, Pháp… đến Hội An đều không ngần ngại thử uống ngay một ngụm nước ngọt, mát được múc lên từ giếng cổ Hội An.

 

Tương truyền khoảng vào thế kỷ XX, có một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu hoàn toàn cái giếng cổ của người Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ.

 

Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính, tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào, duy trì mực nước trong giếng.

 

Hồn giếng, hồn người đất Hội An

Qua nhiều biến động thời gian, song đa số các giếng cổ Hội An luôn được người dân chăm chút, giữ gìn (ảnh: thegioif5)

 

Nếu ai tìm hiểu kỹ về văn hóa ẩm thực của phố cổ Hội An chắc hẳn đều biết rằng tất cả những món ăn đặc sản ở phố Hội như Cao Lầu, mì Quảng... đều chỉ sử dụng nước giếng cổ này. Bởi lẽ, nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, và nó góp phần quan trọng làm nên hương vị đặc trưng có một không hai trong các món ăn phố Hội.

 

Đặc biệt, hầu hết 80 chiếc giếng cổ ở Hội An trên các giếng này đều có các bàn thờ để thờ “thần giếng”. Theo chuyên viên nghiên cứu giếng cổ Hội An Võ Hồng Việt, đây là một yếu tố tâm linh của cư dân Hội An cổ, người xưa quan niệm mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ.

 

Qua nhiều biến động thời gian, song đa số các giếng cổ Hội An luôn được người dân chăm chút, giữ gìn sử dụng có khoảng 50% số giếng cổ hiện nay vẫn để sử dụng theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt và đang là điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách thập phương.

 

Minh Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm