Hòn đảo tuyệt đẹp hình thành từ …. phân cá
(Dân trí) - Ít người biết được bãi biển tuyệt đẹp trên đảo lại được tạo ra nhờ lượng cát do loài cá này thải ra sau khi ăn san hô.
Maldives nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, một trong số những hòn đảo tại đây hình thành theo cách rất đặc biệt không phải ai cũng biết. Đó là đảo Vakkaru, một đảo nhỏ thuộc nhóm đảo đá ngầm ở Maldives.
Chẳng ai ngờ được, thành phần chính cấu tạo nên hòn đảo này chính là lượng cát do loài cá vẹt thải ra sau khi ăn san hô. Nói một cách cụ thể hơn, nhân tố góp công sức nhiều nhất để tạo nên bãi cát trắng mịn ở Vakkaru chính nhờ phân của loài cá vẹt.
Được biết, cá vẹt vốn là loài rất thích ăn những khối san hô. Khi thấy rạn san hô, chúng sẽ ăn và nhai ngấu nghiến, nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt. Đây là loài cá có màu sắc rất đa dạng, với chiều dài khoảng 0,3 đến 1,2 m.
Nhờ sở hữu hàm rắc chắc khỏe như mỏ vẹt, chúng có thể dễ dàng nghiền nát san hô. Chúng còn có một bộ răng khác trong họng cá, giúp vụn san hô sau đó trở nên nhỏ mịn hơn. Sau cùng, khi tiêu hóa hết thành phần hữu cơ, cá vẹt thải lượng lớn đá vôi từ san hô không tiêu hóa hết ra môi trường dưới dạng những viên phân đặc biệt.
Phân cá vẹt có màu trắng, dễ nát vụn thành những hạt cát li ti. Chúng được sóng biển đưa tới các vịnh, bồi đắp thành những bãi cát tuyệt đẹp như ngày nay.
Nhờ số lượng cá vẹt đông đảo ở quần đảo Maldives, lượng phân của chúng tăng lên nhanh theo cấp số nhân. Các chuyên gia ước tính, cá vẹt “sản xuất” được 531.000 kg cát mỗi năm. Và cũng theo các chuyên gia, cá thể cá vẹt có công kiến tạo tới 85 % các trầm tích hình thành nên đảo Vakkaru. Hay nói cách khác, hòn đảo này được tạo nên nhờ … phân cá.
Hiện nay, số lượng cá vẹt đang suy giảm nhanh chóng. Điều này cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các bãi biển nhiệt đới.
Quốc Việt
Theo Geo Beats/ IFLScience