Hơn 200 nhà hàng khách sạn từ Nam ra Bắc miễn phí ăn ở cho đoàn cứu trợ lũ
(Dân trí) - Hầu như ngày nào điện thoại cũng rung chuông bởi cuộc gọi của các đoàn thiện nguyện từ miền Nam ra miền Bắc hỗ trợ đồng bào sau lũ lụt, anh Lê Tuấn thừa nhận mệt nhiều nhưng vẫn vui vì được góp sức.
Đoàn thiện nguyện hỏi cơm bình dân, chủ quán tiếp đãi bằng đặc sản
"Hôm nay có đoàn 79 tình nguyện viên đi 2 xe 45 chỗ từ Bình Dương và TPHCM dự kiến ra vớt bùn cho bà con ở Lào Cai và Yên Bái nên từ sáng mọi nhân viên trong nhà hàng đã sớm mỗi người một việc", anh Lê Tuấn, chủ nhà hàng Tuấn Núi Food (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Vốn là người con Hà Tĩnh, mảnh đất thường xuyên hứng chịu những trận bão lũ, anh Tuấn thấu hiểu những khó khăn mà bà con các tỉnh thành phía Bắc đang gặp phải sau cơn bão số 3 vừa qua.
Lần này không thể trực tiếp ra Bắc tiếp sức, chủ nhà hàng nảy ra ý tưởng mời các đoàn cứu trợ lũ lụt từ khu vực phía Nam nếu đi qua địa phận Đà Nẵng tới dùng bữa miễn phí. Ý tưởng này ngay lập tức được gia đình anh ủng hộ hoàn toàn.
Anh Tuấn cho biết, rất nhiều cơ sở ăn uống ở Đà Nẵng cũng muốn chung tay góp sức. Tuy nhiên do một số quán có mặt bằng diện tích hạn chế, thiếu không gian chỗ đỗ xe hoặc cách xa đường quốc lộ nên chưa thuận tiện để các đoàn cứu trợ dừng chân.
Nhà hàng của anh có diện tích khoảng 300m2 với sức chứa trên 300 khách cùng lúc, lại gần cao tốc và quốc lộ 1A, nên từ ngày 12/9, rất đông các đoàn thiện nguyện đã liên hệ với anh để đặt chỗ. Nhiều khách xa xôi chưa quen đường xá, chỉ cần liên hệ trước, anh Tuấn sẽ báo nhân viên chạy xe ra đón đoàn.
Trung bình mỗi ngày quán đón 2-3 đoàn. Khách đi đoàn lớn từ 70-80 người hoặc từ 40 đến 50 người. Đoàn nào có khách ăn chay thường gọi điện trước với chủ quán khoảng một tiếng để tiện sắp xếp.
"Có đoàn tới quán và nói chỉ cần phục vụ cơm bình dân. Nhưng tôi nói vui rằng quán chỉ có đặc sản gà đen, lợn mán vùng Tây Bắc để phục vụ. Vì trên thực tế, đây cũng là những món chính nằm trong thực đơn hàng ngày của quán", anh Tuấn nói.
Bản thân anh Tuấn xác định chuyện đón đoàn miễn phí sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, thậm chí chấp nhận bù lỗ thêm. Nhưng ngược lại, khi biết việc làm của anh, nhiều người dân ở Đà Nẵng cũng tới quán ủng hộ. Ví dụ, trước đó mỗi ngày quán bán được khoảng 100 con gà đen vùng Tây Bắc, thì nay lượng tiêu thụ cao gấp 2-3 lần.
"Đây là bản đồ đẹp nhất mang màu xanh tình yêu thương của người Việt"
Được biết, cơ sở của anh Lê Tuấn là một trong những địa điểm miễn phí dành cho đoàn thiện nguyện cứu trợ lũ lụt xuất hiện trên bản đồ dữ liệu thông tin.
Anh Nhật Huy, người đưa ra ý tưởng này cho biết, bản thân vốn hay đi công tác nhiều và có thói quen dùng dữ liệu bản đồ để lấy thông tin.
Sau khi thấy bài viết của anh Huy Nguyễn, một chuyên gia về biến đổi khí hậu, chia sẻ về việc các đoàn cứu trợ từ miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và cả đoàn Hà Nội lên miền núi phía Bắc gặp khó khăn khi tìm chỗ ăn, nghỉ, anh Nhật Huy đã liên hệ để trao đổi.
"Nếu danh sách hàng trăm nhà hàng, khách sạn được lưu trong văn bản và phân chia theo từng địa bàn, thành phố, sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận.
Bởi vậy tôi cập nhật toàn bộ thông tin những địa điểm này lên bản đồ thông tin và có sẵn định vị, đoàn cứu trợ đi tới đâu chỉ cần nhìn vào vị trí xung quanh. Họ thấy chỗ nào gần mình nhất có thể chủ động liên hệ", anh Nhật Huy nói.
Từ ngày 12/9 tính đến thời điểm hiện tại (18/9), anh Huy đánh giá bản đồ hoạt động hiệu quả với các điểm đến được cập nhật. Đến nay có hơn 200 nhà hàng, khách sạn từ miền Nam ra miền Bắc, cung cấp chỗ ăn ở miễn phí cho các đoàn cứu trợ lũ lụt.
Cơ sở xa nhất là Phú Yên và tới thành phố Quy Nhơn. Mật độ cơ sở đăng ký dày đặc từ khu vực Đà Nẵng ra miền Bắc. Thậm chí ngay cả những địa phương gặp thiên tai như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái vẫn có nhiều cơ sở đăng ký phục vụ miễn phí.
Chị Trương Thị Gái, chủ khách sạn thuộc đường Đội Cung và đường Phạm Ngũ Lão ở thành phố Huế, bày tỏ mong muốn góp phần nhỏ chung tay ủng hộ đồng bào miền Bắc. Cơ sở lưu trú của chị tổng cộng 50 phòng, đón khoảng 100 khách cùng lúc.
"Nếu đoàn thiện nguyện đi qua thành phố Huế thuộc khu vực miền Trung, chúng tôi rất mong được đón tiếp", chị Gái nói.
Được biết, cơ sở này bắt đầu thực hiện việc đón tiếp từ ngày 12/9 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 15/10 với hy vọng có thêm nhiều đoàn được lưu trú miễn phí.
Bên cạnh hàng trăm nhà hàng khách sạn, bản đồ dữ liệu còn cập nhật nhiều gara ô tô sẵn sàng kiểm tra sửa chữa cho xe cứu trợ dọc đường khi gặp sự cố.
Cùng với đó là sự vào cuộc của rất đông các chuyến xe tải chở hàng 0 đồng, từ xe container 16m nhận chở hàng cứu trợ miễn phí, xe tải 4 chân, xe công dài 17m, cho tới những nhà xe hỗ trợ xe tải 15 tấn và 25 tấn.
"Có lẽ đây là bản đồ dữ liệu đẹp nhất tôi từng được xem. Đó là một dải màu xanh mang tới niềm hy vọng vào tình yêu thương của người dân Việt Nam. Và màu xanh ấy sẽ trở lại những vùng đất bị lũ lụt của miền Bắc, gieo vào lòng tôi niềm tin vào ngày mai tươi đẹp. Cố lên đồng bào miền Bắc thân yêu ơi", một tài khoản có tên Trương Mỹ Thơ gửi gắm tình cảm.