"Hồi sinh" ngành Du lịch: Có thể dựa vào kế hoạch "đếm cua trong lỗ"?
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 13 tháng qua liên tiếp sụt giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015 giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch hào hứng tham gia team-building ở Hội An. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+).
Những thông tin được Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn công bố trong cuộc gặp với báo giới diễn ra chiều nay (3/7), tại Hà Nội, cho thấy bức tranh khó có thể lạc quan về ngành du lịch. Niềm an ủi duy nhất, có chăng chỉ là tỷ lệ khách du lịch nội địa trong 6 tháng qua tăng trưởng ổn định ở mức 1,7%.
“Trên” bảo “dưới” không nghe…
Thời gian gần đây, chưa bao giờ truyền thông và xã hội lại dành nhiều thời gian và tâm sức để “mổ xẻ” các vấn đề của ngành du lịch như vậy.
Đặc biệt, vừa mới hôm qua (2/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trước đó, 9 nhiệm vụ trọng tâm đã được toàn ngành gấp rút triển khai thực hiện nhằm đối phó với tình hình khó khăn nhưng như Tổng Cục phó Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục nhằm đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch.
Thực tế, vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai có hiệu quả và quyết liệt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chưa nghiêm; các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… ở một số địa bàn du lịch còn nhiều bất cập, ảnh hướng lớn đến chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đặc biệt, hoạt động quảng bá xúc tiến chưa huy động được các nguồn lực và hiệu quả mong muốn.
Đó là những lý do chính khiến ngành du lịch trong nước tuy được chỉ đạo nhiều, "hô hào" quyết tâm nhiều và cũng bắt tay vào làm nhiều nhưng đến giờ vẫn cứ "loay hoay" trong thế... bí.
Sapa là điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+).
Chính sách… nửa vời
Một trong những nỗ lực lớn nhằm “cứu” vãn tình thế cho du lịch Việt Nam mà Chính phủ đã bắt tay vào can thiệp là việc ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 1/6/2015 và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 18/6/2015, miễn thị thực từ ngày 01/7/2015 trong thời gian 5 năm đối với công dân Belarus, trong thời gian 1 năm đối với công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy), nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế từ 6 quốc gia này đến Việt Nam.
Những tưởng đây là một giải pháp giúp gỡ khó cho ngành du lịch Việt, song thực tế triển khai cũng lại gây nhiều áp lực và ngần ngại cho các doanh nghiệp.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, do khách du lịch từ các thị trường được miễn thị thực này đều ở rất xa Việt Nam, nên sẽ phải lập kế hoạch đi trước khoảng 3-6 tháng. Mà trước đó, để khách tiếp cận được với thông tin mới, cũng cần phải có thời gian để phía Việt Nam tuyên truyền, quảng bá thông tin qua Đại sứ quán 6 nước tại Việt Nam, qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại 6 nước, gặp gỡ với các doanh nghiệp tại 6 nước…
Với chính sách miễn thị thực mới, hiệu quả ban đầu (sau khi thông tin được phổ biến đến thị trường) sẽ phát huy từ khoảng quý IV-2015 và chỉ thực sự phát huy hiệu quả từ khoảng tháng 9/2016 là thời điểm bắt đầu vào mùa khách du lịch quốc tế từ thị trường Tây Âu đến Việt Nam. Trong khi đó, việc miễn thị thực cho du khách 5 nước Tây Âu trước mắt chỉ có thời hạn 1 năm, thì đến thời điểm khách có thể đến thực tế lại không còn nhiều.
Thực tế này khiến cho nhiều doanh nghiệp gửi khách quốc tế tỏ ra ngần ngại trong việc đưa ra kế hoạch dài hạn gửi khách du lịch đến Việt Nam. Và như thế, vô hình chung, có chính sách tốt và kịp thời nhưng lại thành… nửa vời.
Trái ngược với những phân tích trên, lãnh đạo ngành Du lịch vẫn tỏ ra lạc quan với mục tiêu cụ thể rằng chính sách mới sẽ giúp tăng tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu năm 2015 lên 730.000 lượt (tăng gần 15% so với 2014), cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình 5,35% giai đoạn 2010-2014; 6 tháng đầu năm 2016 đạt tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn 6 tháng cuối năm 2015.
Báo cáo của ngành Du lịch khẳng định việc có thể tăng tổng thu trực tiếp từ khách du lịch từ 5 thị trường này thêm gần 80 triệu USD so với mức tổng thu có tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2014; tổng lợi ích kinh tế gián tiếp và lan tỏa thêm hơn 169 triệu USD; tổng lợi ích kinh tế thu được gần 249 triệu USD.
Những con số nhẩm tính ra thì dễ nhưng có lẽ còn phải chờ thời gian trả lời. Để xốc lại ngành "công nghiệp không khói" đầy tiềm năng này, điều quan trọng nằm ở những thay đổi về nhận thức, về thực tiễn, của không chỉ riêng ngành Du lịch mà là toàn xã hội./.
Theo Xuân Mai
TTXVN