Hành trình 25 ngày xuyên Đại Tây Dương “không như mơ” của cặp vợ chồng trẻ

Phương Linh

(Dân trí) - Du ngoạn trên biển có vẻ là một cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, cặp vợ chồng Ryan Osborne hiểu hơn ai hết nó không hề dễ dàng như tưởng tượng.

Elena Manighetti và Ryan Osborne đã có cuộc sống lênh đênh trên biển trong suốt 3 năm. Họ đã phải chiến đấu với nhiều cơn bão, thậm chí là đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Bất chấp những thử thách, cặp vợ chồng trẻ vẫn yêu cuộc sống trên biển và coi chiếc thuyền là “ngôi nhà nhỏ” của họ.

Manighetti và Osborne từng sống trong một căn hộ cho thuê ở Anh. Trong một chuyến đi đến Mallorca, Tây Ban Nha, cặp đôi nhận ra không muốn quay lại công việc cũ trước đây. Thay vào đó, điều họ muốn là thực hiện những chuyến đi dài.

“Chúng tôi mong muốn có một cuộc sống phiêu lưu. Chúng tôi muốn đi du lịch và hòa mình vào thiên nhiên”, Manighetti nói.

Hành trình 25 ngày xuyên Đại Tây Dương “không như mơ” của cặp vợ chồng trẻ - 1
Elena Manighetti và Ryan Osborne.

Cặp vợ chồng trẻ bắt đầu suy nghĩ làm sao để được nghỉ hưu sớm. Họ đã tính đến chuyện mua một chiếc xe tải và xây dựng một trang trại nhỏ có thể tự cung tự cấp. Tuy nhiên, cả hai đều nhận ra rằng điều họ mong muốn là đi đến những nơi xa, khám phá những vùng đất mới lạ.

Khi ở Mallorca, họ nhìn thấy những chiếc thuyền buồm đang neo đậu ngoài vịnh. Kể từ khoảnh khắc đó, họ nảy ra ý tưởng du ngoạn trên biển. Một năm sau đó, Manighetti và Osborne đã tiết kiệm được tiền để mua một chiếc thuyền với giá 12.000 USD. Năm 2017, cặp đôi đã bắt đầu thực hiện chuyến hành trình khởi hành từ Anh.

“Tôi vô cùng lo lắng nhưng cũng rất phấn khích về chuyến hành trình của mình. Chúng tôi đã tham gia một khóa học chèo thuyền. Tôi đã từng cảm thấy quá tải về những thứ mà chúng tôi cần phải học và làm quen trong khóa học.

Tôi cũng từng nghi ngờ rằng liệu mình có thể khởi hành được hay không. Thế nhưng, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được nó sau một năm”, Manighetti chia sẻ.

Cặp đôi bắt đầu chuyến đi khởi hành từ Anh đến Pháp, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Họ dành nhiều thời gian thư giãn ở phía buồng lái. Khu vực dưới boong tàu là khu vực phòng ngủ ấm cúng. Khu vực nhà tắm có bồn cầu, vòi hoa sen nhưng họ vẫn cần phải tiết kiệm nước. Ở phía sau thuyền, có một chiếc bàn, nơi hai vợ chồng có thể nghiên cứu và trao đổi về kế hoạch hành trình của họ.

Hành trình 25 ngày xuyên Đại Tây Dương “không như mơ” của cặp vợ chồng trẻ - 2
Cặp vợ chồng trẻ trong khu vực buồng lái.

Khi nói đến các công việc hàng ngày, Manighetti cho biết: “Mọi thứ cần thời gian dài và có kế hoạch. Việc giặt giũ và đi chợ có thể mất cả ngày”.

Đầu năm 2020, sau khi đã quen với cuộc sống trên biển, cặp vợ chồng bắt đầu chuyến hành trình dài 25 ngày xuyên Đại Tây Dương. Nói về chuyến hành trình, Osborne tâm sự: “Đây là một thử thách và cũng có một chút nhàm chán. Bạn hầu như chỉ có thể ngồi nhìn ra biển”.

Osborne nói rằng, vợ chồng anh đã phải làm việc theo ca để đến các hòn đảo Caribe. Mỗi người sẽ ở trong buồng lái 3 giờ để người còn lại ngủ.

“Có một số khung cảnh tuyệt đẹp nhưng không thể làm gì khác hơn là ngồi trò chuyện”, anh nói.

Manighetti nói thêm rằng, họ thường ngồi và trao đổi với nhau về ý nghĩa cuộc sống và tương lai. Tuy nhiên, cô cảm thấy “hoàn toàn kiệt sức” vì thực sự không thể ngủ khi con thuyền đang chuyển động. Trong suốt hành trình 25 ngày, Manighetti đã không ngủ được nhiều.

Hành trình 25 ngày xuyên Đại Tây Dương “không như mơ” của cặp vợ chồng trẻ - 3
Elena Manighetti và Ryan Osborne chụp ảnh trên chiếc thuyền của họ.

Vào ngày thứ 15 của hành trình, họ bắt đầu nghe tin về một số hòn đảo đã đóng cửa biên giới nhưng không hiểu lý do tại sao.

Khi rời châu Âu, họ mới biết dịch Covid-19 đang ở châu Á. Trước đó, họ đã nói với gia đình rằng đừng thông báo cho họ bất kỳ tin xấu nào vì họ sẽ không thể làm gì được khi ở giữa đại dương.

Vào ngày thứ 25 (25/3), cặp vợ chồng trẻ đã đến đảo Bequia ở Caribe và bắt đầu đọc được tin tức. Họ bắt buộc phải cách ly trong 14 ngày.

“Khi chúng tôi đến đảo, chúng tôi đã đọc được tin tức và biết rằng có hàng nghìn người đã chết do Covid-19. Chúng tôi đã mất vài ngày để kịp cập nhật những gì đã xảy ra trong suốt chuyến đi của chúng tôi”, Manighetti và Osborne hoảng hốt nói.

Những tuần đầu tiên cập bờ, họ vô cùng lo lắng. Có tin đồn rằng thực phẩm sẽ không được chuyển đến đảo do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu điều đó xảy ra, người dân địa phương sẽ được ưu tiên, có nghĩa là Manighetti và Osborne sẽ không có nguồn cung cấp thực phẩm.

May mắn thay, điều đó đã không xảy ra và cuộc sống trên đảo vẫn diễn ra tương đối bình thường. Osborne nói: “Sự khác biệt chính là việc di chuyển giữa các quốc gia không còn dễ dàng như trước đây”.

Vào tháng 7, một cơn bão đã đổ bộ vào vùng biển Caribe và cặp đôi không còn nơi nào để đi. Manighetti và Osborne đã phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn và căng thẳng. Họ quyết định cập bến tại hòn đảo mà họ đang ở và hy vọng những điều tốt đẹp nhất. Sau đó, may mắn là cơn bão đã đi qua và con thuyền của họ vẫn bình thường.

Hành trình 25 ngày xuyên Đại Tây Dương “không như mơ” của cặp vợ chồng trẻ - 4
Con thuyền của cặp vợ chồng trẻ trên biển.

“Đi thuyền trong sương mù thật kinh khủng. Chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng động cơ của tàu đánh cá nhưng chúng tôi không biết họ đang ở đâu. Chúng tôi chỉ nghe thấy những tiếng động này trong sương mù. Nếu chúng tôi bị tàu đánh cá va vào, thuyền của chúng tôi sẽ bị đắm và cả hai chúng tôi có thể sẽ chết”, Osborne nhớ lại.

Việc sống trên thuyền luôn dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết, đặc biệt là trong mùa bão.

“Chúng tôi có thể tự do đi đến nơi chúng tôi muốn nhưng điều đó cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Có rất nhiều khó khăn mà bạn sẽ không bao giờ có thể đoán trước được khi ở trên đất liền”, Manighetti nói thêm.

Do ảnh hưởng của mùa bão và dịch Covid-19, Manighetti và Osborne quyết định sẽ tạm dừng hành trình du ngoạn trên thuyền. Sau khi tiết kiệm tiền, họ dự định bay về nước Anh hoặc bay sang Mỹ để chờ hết dịch.

“Chúng tôi thực sự thích cuộc sống trên biển, nhưng mùa bão khá khắc nghiệt. Chúng tôi dự định sẽ trở lại thuyền vào thời gian sau để tiếp tục sống lâu dài trên đó. Con thuyền tượng trưng cho sự tự do có thể đến những nơi chúng ta muốn. Về cơ bản, nó có thể coi như là ngôi nhà nhỏ của chúng ta”, Osborne nói.