Hàng triệu con tôm hùm bỏ mạng, “nhuộm” đỏ rực cả bãi biển

(Dân trí) - Các bãi biển đầy cát chuyển sang màu đỏ rực sau khi hàng triệu con tôm hùm vào bờ đẻ trứng rồi đồng loạt bỏ mạng sau khi thủy triều rút xuống.

Các bãi biển Otago đầy cát ở phía nam New Zealand đã chuyển sang màu đỏ rực sau khi cả triệu con tôm hùm vào bờ đẻ trứng rồi bỏ mạng hàng loạt.

Hàng triệu con tôm hùm bỏ mạng, “nhuộm” đỏ rực cả bãi biển - 1
Một đoạn bãi cát ở Otago (New Zealand) chuyển màu đỏ rực bởi xác hàng triệu con tôm hùm phủ kín

Người dân địa phương trong các cộng đồng ven biển nhỏ của vịnh Broad và vịnh Edwards cùng những du khách phát hiện ra hiện tượng bất thường này, nên đã báo cáo lại sự việc với hãng tin quốc gia RNZ.

Theo Tiến sỹ John Zeldis, một nhà sinh thái học biển tại Trung tâm Khoa học Nước và Khí quyển Quốc gia, màu sắc đỏ rực trên các bãi cát ven biển được tạo ra bởi xác của một giống “tôm hùm ngồi xổm” (squat lobster) có tên khoa học là “munida gregaria”. 

Hàng triệu con tôm hùm bỏ mạng, “nhuộm” đỏ rực cả bãi biển - 2
Xác tôm hùm nằm chết la liệt khi nước triều rút xuống

Được biết, loài giáp xác này bám vào bãi cát khi thủy triều dâng cao. Chúng đồng loạt vào bờ đẻ trứng rồi bỏ mạng khi thủy triều rút, tạo nên khung cảnh ấn tượng.

Đây là loài tôm hùm có kích thước rất nhỏ với đặc điểm đuôi dài và cong. Chúng bám vào cát khi thủy triều lên cao như một cách di cư bản năng trong thời kỳ sinh sản. Nếu đã dạt vào bờ, hầu như chúng sẽ chết sau khi nước rút xuống.

Suốt nhiều thập kỷ qua, Tiến sỹ Zeldis đã chứng kiến xác của những con tôm hùm munida gregaria phủ dày từ 20 – 30 cm tại Otago từ tháng 12 đến tháng 6 hàng năm. Hiện tượng này cũng kéo dài tới tận phía nam như Catlins và xa tận phía bắc tới bán đảo Banks.

Hàng triệu con tôm hùm bỏ mạng, “nhuộm” đỏ rực cả bãi biển - 3
Đó là những con tôm hùm có tên khoa học là “munida gregaria”

Năm nay, người dân địa phương đã lên tiếng trước hiện tượng nhiều bãi biển chuyển màu. Điều này có nghĩa những con tôm hùm trưởng thành dường như không muốn rời bỏ nơi sinh sản dưới đáy biển, khiến những con nhỏ hơn không có chỗ sinh sản.

Theo bản năng di cư, chúng sẽ bám vào cát để trôi vào bờ tìm chỗ sinh sản. Nhưng lúc nước triều rút, những sinh vật này không kịp thoát thân nên chết hàng loạt.

Dù nhiều người có phần hốt hoảng khi chứng kiến những bãi biển phủ đầy xác chết của loài giáp xác này, nhưng Tiến sỹ Zeldis cho biết, số tôm chết chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số lượng cá thể. Và loài này vẫn tiếp tục phát triển trong điều kiện môi trường biển biến đổi liên tục.

Quốc Việt

Theo Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm