Gia đình lái xe 22 năm vòng quanh thế giới, 4 lần sinh con trên đường
(Dân trí) - Trong suốt hành trình 22 năm tự lái xe vòng quanh 5 châu lục từ năm 2000 đến nay, hai vợ chồng đã sinh con 4 lần trên đường.
Sau khi kết hôn được 6 năm, gia đình hai vợ chồng người Argentina là Herman Zapp và Candelaria bắt đầu hành trình du lịch vòng quanh thế giới. Đó là tháng 1/2000, khi họ đang có công việc ổn định, vừa xây nhà và dự định sinh con, nhưng lại quyết định lên đường.
Điểm xuất phát của hành trình bắt đầu từ Obelisk, đài tưởng niệm tại trung tâm thành phố Buenos Aires, Argentina, với chuyến đi thẳng tới Alaska.
"Bạn đồng hành" trên đường của họ là chiếc xe Graham-Paige của Mỹ, sản xuất năm 1928.
"Xe không có điều hòa, nhìn cũng không ổn lắm, nhưng thực ra rất tuyệt. Nó có thể chạy xuyên thành phố, chạy trong bùn và trên cát", chị Candelaria, hiện 51 tuổi, cho biết.
Suốt hành trình xuyên lục địa kéo dài 22 năm, họ phải thay 8 bộ lốp xe, 2 lần trùng tu động cơ. Do trên đường đi, 4 đứa con lần lượt ra đời nên anh Herman phải chế thêm một tấm bạt trên nóc xe, tạo thành chiếc lều cho những đứa trẻ nghỉ ngơi. Họ cũng cải tạo xe tăng thêm không gian sống và chỗ ngồi.
"Dù chỉ là ngôi nhà nhỏ, nhưng chúng tôi có khoảng không gian rộng. Lúc là bãi biển, khi là hồ nước hoặc núi bao bọc xung quanh. Nếu không thích cảnh tượng đó, chúng tôi lại thay đổi tới nơi mới", vợ chồng chị Candelaria chia sẻ.
Cốp xe là nơi đặt đồ nấu bếp. Quần áo, đồ thiết yếu cất trong hầm xe. Họ dùng nhiệt từ động cơ để đun nước hoặc nấu ăn. 22 năm qua, chiếc xe không chỉ là phương tiện di chuyển, còn là ngôi nhà của 6 thành viên.
Ở những nơi gia đình lái xe qua, họ cũng xin ngủ nhờ nhà người dân sống xung quanh. "Chúng tôi đã ngủ nhờ khoảng 2.000 ngôi nhà. Tình người ở khắp nơi rất đáng trân trọng", chị Candelaria nhận định.
4 người con của cặp đôi ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là Pampa, 19 tuổi, chào đời ở Mỹ, Tehue, 16 tuổi, khi họ quay về thăm Argentina, Paloma, 14 tuổi, sinh ra ở Canada, Wallaby, 12 tuổi, ở Australia.
Họ còn nhận nuôi thêm một chú chó nhỏ đặt tên Timon, một chú mèo Hakuna khi tới thăm Brazil. Đây cũng là nơi họ bị mắc kẹt một thời gian vì đại dịch Covid-19.
Nhiều người từng thắc mắc không hiểu nguồn thu nhập của cả hai đến từ đâu? Chị Candelaria cho biết họ đã viết sách về cuộc phiêu lưu của mình với tựa "Catching a Dream" (tạm dịch: Nắm bắt giấc mơ) và bán được khoảng 100.000 bản.
Rất nhiều kỷ niệm của cả gia đình cùng nhau trải qua. Đó là chạm tới đỉnh Everest, ăn trứng vịt lộn ở châu Á, khiêu vũ với người dân bản địa tại Namibia, tới thăm lăng mộ Vua Tut ở Ai Cập, đi thuyền trên nhiều vùng biển.
Còn với những đứa trẻ nhà Herman, đó là trải nghiệm không đâu có được. 4 đứa trẻ đều học từ xa hoặc học kiến thức do mẹ dạy. "Điều cháu mong nhất là muốn có thêm nhiều bạn", bé Pamloma nói.
Tuy nhiên, hành trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh Herman từng bị sốt rét khi gia đình tới châu Á đúng thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát. Họ có nguy cơ bị nhiễm Ebola khi ở châu Phi và bị sốt xuất huyết tại Trung Mỹ. Nhưng chuyến đi 22 năm mang lại cho họ nhiều điều hơn mong đợi.
Họ đã lái xe khoảng 362.000 km xuyên khắp 5 châu lục, vượt qua 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng nhau chứng kiến nhiều niềm vui và nỗi buồn.
Tuy nhiên, hành trình này sắp khép lại khi cả nhà đang lái xe hồi hương. Họ vừa đi qua thị trấn giáp biên giới Uruguay và sắp trở về quê nhà Argentina.
"Cảm xúc của tôi hiện rất hỗn loạn. Chúng tôi đang kết thúc hay hoàn thành giấc mơ? Chuyện gì sẽ xảy ra? Hàng nghìn thay đổi với rất nhiều lựa chọn", người đàn ông 53 tuổi chia sẻ.