Gấu mẹ "tử chiến" đến cùng với gấu đực nặng hơn 200kg để bảo vệ con

Huy Hoàng

(Dân trí) - Cuộc chiến giữa gấu mẹ và một con đực hung dữ được đánh giá là khoảnh khắc ấn tượng trong cuộc chiến sinh tồn của thế giới động vật hoang dã.

Cuộc tử chiến diễn ra một sườn núi đá ở phía bắc vùng Leon, Tây Ban Nha, được các nhân chứng ghi lại. Đó là khoảnh khắc gấu mẹ một mình xả thân chiến đấu đến cùng với một con gấu đực đồng loại nặng hơn 200kg để bảo vệ đàn con của mình.

Trong đoạn clip ngắn dài gần 2 phút, hai con gấu trưởng thành đã chiến đấu với nhau suốt 40 giây trước khi bị ngã qua mép đá và đâm xuống sườn đồi.

Gấu mẹ tử chiến đến cùng với gấu đực nặng hơn 200kg để bảo vệ con - 1
Cuộc chiến sống con của gấu đực và gấu cái trước khi cả hai cùng rơi xuống vách đá (Ảnh cắt từ clip).

"Chúng tôi biết gấu mẹ bị thương nhưng chưa có thêm thông tin mới", một cán bộ kiểm lâm tại khu vực chia sẻ với AFP.

Theo các cán bộ bảo vệ rừng, khi thấy gấu đực định lao tới, gấu mẹ đã đứng ra che chắn phía trước đàn con. Chúng cùng bị rơi xuống ở độ cao lớn. Gấu đực lăn nhiều vòng rồi nằm bất động tại chỗ, trong khi gấu mẹ tập tễnh đứng dậy và vội đi tìm đàn con của mình.

Gấu mẹ "tử chiến" đến cùng với gấu đực nặng hơn 200kg để bảo vệ con

Sau 2 ngày tìm kiếm, cuối cùng cán bộ kiểm lâm tìm thấy hang sâu dài 15m của gấu mẹ. Họ đặt thiết bị thăm dò gắn camera chuyên dụng với hi vọng kiếm thêm thước phim mới và để lại trái cây, nước uống, trong hang.

Dưới sự hỗ trợ của đội ngũ tìm kiếm, họ đã thấy gấu mẹ bị thương cùng một con non. Có lẽ, một con non khác của nó đã bị chết do bị một con gấu đực khác tấn công.

Gấu mẹ tử chiến đến cùng với gấu đực nặng hơn 200kg để bảo vệ con - 2
Vào mùa sinh sản, gấu đực trở nên rất bạo lực với con cái và con non (Ảnh: AFP).

Các chuyên gia cho biết, vào mùa sinh sản, gấu đực thường tấn công gấu cái và con non với mục đích muốn giao phối. Những cuộc tấn công này rất bạo lực. Hành vi này được quan sát thấy cả ở chim, dơi và động vật linh trưởng".  

Theo Hiệp hội Oso Pardo, một tổ chức bảo vệ gấu, hiện có khoảng 400 con gấu sống ở vùng núi Tây Ban Nha. Chúng tập trung phần lớn ở miền bắc với khoảng 70 con tập trung trên dãy Pyrene giáp biên giới Tây Ban Nha và Pháp. Được biết, gấu Tây Ban Nha vốn là loài gấu nâu Cantabrian có trọng lượng trung bình khoảng 85kg. Nếu sống trong môi trường tự nhiên, chúng có tuổi thọ khoảng 25 đến 30 năm.