Gặp người lưu giữ hồn chiêng xứ Mường
(Dân trí) - Hơn 60 năm cần mẫn rong ruổi trên khắp các nẻo đường từ Bắc chí Nam để sưu tầm, lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng, người nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Thực được coi là một “bảo tàng sống” về văn hóa cồng chiêng của người Mường.
Giữa nhịp sống hiện đại như ngày nay, tôi không nghĩ rằng mình có thể lắng nghe tiếng cồng chiêng của người Mường vang lên giữa lòng thủ đô Hà Nội. Thật tình cờ, trong hội chợ du lịch quốc tế vừa diễn ra ở Hà Nội, tôi đã có cơ hội trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Thực - người được coi là “Bảo tàng sống” về văn hóa cồng chiêng người Mường.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực (ở giữa) biểu diễn cồng chiêng tại Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong căn nhà sàn nhỏ nằm bên quốc lộ 6 thuộc xóm Chăm, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Thực vẫn miệt mài tìm kiếm và truyền dạy cho các thế hệ sau về văn hóa cồng chiêng của người Mường.
Được biết, Ông Thực bắt đầu học đánh cồng chiêng từ khi 12 tuổi, lúc đó, ông thường theo người cô là thành viên đội văn nghệ của xã đến các buổi biểu diễn cồng chiêng. Ban đầu, ông Thực mượn chiêng để tập đánh cho thỏa chí tò mò và từ những tiếng chiêng đầu tiên đó đã đưa ông đến với niềm đam mê lớn nhất của đời mình.
Năm 17 tuổi, ông Thực đã tham gia đội văn công xã đi biểu diễn khắp 4 vùng: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Những năm kháng chiến ác liệt, đội văn công xã luôn cất cao tiếng hát thúc giục, cổ vũ tinh thần các chiến sĩ chiến đấu.
Những năm 90 của thế kỷ 20, khi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường khó khăn, nhiều người phải mang cả chiêng đem bán với giá rẻ thì ông Thực vẫn hăng say nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Nhiều lúc vì không đủ tiền, ông đi vay mượn anh em, bạn bè để mua bằng được chiếc chiêng người ta bán. Ông Thực đã đi rất nhiều vùng trên cả nước từ Mai Châu, Sơn La cho đến Thanh Hóa chỉ với mong muốn giữ lại vật báu của cha ông để lại.
Hiện tại, bộ sưu tập cồng chiêng của ông thực đã lên tới con số 30. Trong đó, có những chiếc chiêng trị giá tới cả chục triệu đồng, vì vậy, không ít lần, để thỏa mãn niềm đam mê với cồng chiêng, ông Thực đã phải bán cả trâu, bò, lợn, gà... để đổi lấy chiếc chiêng mà mình săn lùng.
Một niềm cổ vũ rất lớn giúp ông Thực vượt qua mọi khó khăn để sưu tầm và lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng của người Mường chính là gia đình. Cho tới nay có tới 16 người con trai, gái, dâu, rể và các cháu của ông ai cũng biết chơi chiêng. Vì vậy, dù hoàn cảnh gia đình có gặp khó khăn, nhưng họ vẫn luôn ủng hộ ông hết mình.
Hầu hết các thành viên trong gia đình ông Thực đều tham gia vào đội văn nghệ cồng chiêng do ông sáng lập.
Ðến nay, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông Thực vẫn dành hết tâm huyết để truyền lại tình yêu chiêng và cách chơi chiêng cho thanh niên, trẻ nhỏ trong tổ, phường. Ông còn thành lập cả một đội văn nghệ cồng chiêng mang tên “Hương rừng Tây Bắc” bao gồm những người say chiêng và đam mê với văn hóa cồng chiêng của người Mường. Câu lạc bộ của ông Thực đã đi trình diễn ở rất nhiều nơi và giành được nhiều huy chương vàng trong những chương trình biểu diễn cồng chiêng lớn trong, ngoài tỉnh.
Với hơn 60 năm cống hiến cho việc sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy những nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của người Mường, năm 2012, ông Thực đã được hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” và Huy chương vì sự nghiệp văn học dân gian. Ngoài ra, ông Thực còn là người đảm nhiệm chính việc giữ phách cho dàn chiêng 1.400 chiếc tại Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ I diễn ra tại TP Hòa Bình năm 2011- màn biểu diễn được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất.
Bài và ảnh: Nhữ Trang