Du lịch Việt và hiệu ứng ngược của việc đầu tư thiếu chọn lọc
(Dân trí) - Những ánh đèn như sàn disco trong hang động, khắp các bãi biển những khu resot mọc lên như nấm, cáp treo xuất hiện ở mọi nơi khiến sức hút của du lịch Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn…
Nhiều doanh nghiệp, thậm chí một số nhà quản lý cho rằng Việt Nam phải đầu tư thêm và nhiều hơn nữa những dịch vụ tầm cỡ như cao nguyên Gentting của Malaysia, hay Sentosa của Singapore mới có thể giữ chân được khách
Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu phát triển nóng, đổ tiền đầu tư ồ ạt thì tương lai sẽ ảm đạm hơn. Giám đốc Maketting một khu du lịch có tiếng ở Tây Bắc nói với tôi rằng; “chỗ nào ồn ã nhộn nhịp, chỗ đó sẽ dần mất khách”. Nghe rât mâu thuẫn nhưng đó lại là thực tế ở Việt Nam.
Mai Châu là một ví dụ. Đây là bản làng ở Tây Bắc, được khách quốc tế biết đến sớm nhất ở Việt Nam, và không ít lần đã xuất hiện trong các bài viết ca ngợi trên báo chí phương Tây. Tuy nhiên, chính vì sự “nổi trội” ấy khiến những người làm du lịch và cả những người quản lý lầm tưởng rằng, phải làm cho Mai Châu hoành tráng lên mới tương xứng. Kết cục, lượng khách quốc tế đến Mai Châu cứ giảm giần.
Giờ đây, nếu để ý kỹ ở các bản làng xa xôi hẻo lánh ngay cả những người Việt chưa hề đặt chân tới lại liên tục có những bước chân khám phá của những vị khách nước ngoài. Dân du lịch ở Việt Nam gọi điều này là sự chuyển dịch của khách.
Việt Nam có thế mạnh là hình thái du lịch đa dạng, song lại chưa biết cách khai thác theo hướng có lợi. Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, bờ duyên hải dọc dài cả nước, miền Bắc giàu văn hóa, lịch sử và những phố núi như Sapa... Những tài nguyên đó chẳng quốc gia nào có được. Một số ý kiến cho rằng, chúng ta đã quá say sưa với mục tiêu phát triển của mình mà quên mất tính bền vững của ngành công nghiệp không khói, trong khi chúng ta luôn nhắc tới tính “trách nhiệm” và “bền vững”.
Một điều nữa khiến khách du lịch đến Việt Nam không muốn quay lại vẫn đang tồn tại là tình trạng du khách đến Việt Nam đều được giới thiệu hành trình Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, từ Bắc đến Nam hoặc từ Nam ra Bắc. Cấu tạo địa lý của đất nước khiến nhiều du khách nghĩ đây là một sự lựa chọn lý tưởng và nghĩ rằng họ đã biết hết Việt Nam qua chuyến đi ngắn ngủi chỉ kéo dài ba tuần.
Đơn cử khách ở Sài Gòn đến Mũi Né. Điểm này chỉ cách Sài Gòn 200km, thế nhưng để đến được Mũi Né phải qua năm tiếng ngồi xe mỏi mệt. Xuyên suốt Việt Nam, giao thông là một rào cản lớn. Khoảng cách giữa Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt không là bao, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ khiến du lịch trở nên khó khăn.
Việc xây dựng cáp treo ồ ạt ở mọi nơi, mọi chốn, việc biến tất cả các bãi biển thành các khu resot lòe loẹt, rồi ngay cả việc trang trí đèn hoa tại các hang động di sản. Những công trình như thế tốn không ít tiền mà hơn nữa điều này sẽ khiến ở những nơi vốn dĩ hút khách trở nên kém phần hấp dẫn và không thể lấy lại được.
Trong khi chúng ta đang đặt nhầm chỗ cho sự ưu tiên này, thì ở một số khía cạnh khác lại không được chú trọng đầu tư. Đó là việc giải quyết tình trạng đeo bám khách ở khắp các nơi. Rồi việc đầu tư nhà vệ sinh tại các điểm du lịch và những dịch homestay tại các bản làng tất cả chỉ làm theo kiểu “cắc bụp” được chăng hay chớ.
Đã có rất nhiều lời than phiền những người bán dạo liên tục dồn khách như ở trên đèo Hải Vân, khiến du khách thay vì được thong thả đứng trên đèo ngắm cảnh thì chán ngán quay vào xe chỉ sau chưa đầy năm phút.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong cố chặt chém “các ông tây”, cô bán bánh mì không trả lại tiền thối, người bán đồ ăn “chém” đắt gấp ba lần dù họ thấy rõ người khách trước mặt trả bao nhiêu tiền, hay các tài xế taxi gian lận quãng đường đến trạm xe buýt.
Cùng với đó, trên quốc lộ, xe ca, xe tải chen nhau chạy bất chấp nguy hiểm - một cảnh tượng chỉ làm cho những du khách lần đầu đến Việt Nam kinh sợ mà không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lại lần nữa.
Minh Phan