Du lịch Việt cần làm gì để bứt phá, "vượt" Thái Lan, Singapore?

Hồng Minh

(Dân trí) - Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn tuy nhiên ngành du lịch chưa được quan tâm đúng mức, để phát huy được vai trò to lớn đó của mình.

"Thay da, đổi thịt" nhờ... du lịch

"Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, tất cả đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy sự chuyển đổi ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam". Đây là nhận xét mới đây trên tờ The New York Times, trong bài viết có tên khá thú vị "Nếu bạn có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở Việt Nam".

Tác giả bài báo nhận định: "Hệ thống cáp treo được xem là những tính năng kỹ thuật tuyệt vời giúp dễ dàng tiếp cận những nơi xa xôi... Điều này hỗ trợ rất lớn cho phát triển du lịch địa phương".

Sự ghi nhận của The New York Times là ví dụ cho thấy sự thay đổi của hạ tầng du lịch Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương, trong vài năm trở lại đây.

Trước năm 2012, Sapa (Lào Cai) được biết đến là điểm đến có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, song vẫn nghèo nàn về sản phẩm, dịch vụ. Lượng khách đến Sapa khi đó chưa tới 500.000 lượt/năm, thời gian lưu trú không quá 2 ngày.

Du lịch Việt cần làm gì để bứt phá, vượt Thái Lan, Singapore? - 1

Biển mây vây quanh ga dừng cáp treo trên đỉnh Fansipan (Ảnh: Mạnh Quân).

Bước ngoặt của du lịch Sapa diễn ra vào năm 2016, sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai hay tuyến cáp treo Fansipan được đưa vào sử dụng, sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đã dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về du lịch.

Năm 2013, Sapa mới chỉ đón 720.000 lượt khách, doanh thu 576 tỷ đồng, thì đến năm 2019, lượng khách đến Sapa đã đạt hơn 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 9.335 tỷ, gấp 16,2 lần so với năm 2013. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group, không chỉ riêng Sapa, hàng loạt các địa phương khác như: Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... cũng "thay da, đổi thịt" nhờ du lịch. 

Du lịch Việt cần làm gì để bứt phá, vượt Thái Lan, Singapore? - 2

Cao tốc Vân Đồn Móng Cái giúp rút ngắn một nửa thời gian từ Hà Nội đến Quảng Ninh (Ảnh: H.H).

Các dịch vụ được đẩy mạnh lên, nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng từ homestay đến tàu 5 sao, khách sạn vượt chuẩn 5 sao… đã tạo công ăn việc làm, và cơ hội cho người dân địa phương kinh doanh buôn bán. Địa phương thu được nhiều tiền thuế để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các tỉnh, thành có ngành du lịch phát triển.

"Quy mô nền kinh tế ở các địa phương này cũng tăng mạnh nhờ có lực đẩy của ngành du lịch", ông Nguyễn Ngọc Bích nói.

Du lịch đang "thiếu nhạc trưởng"

Theo WB (2019), du lịch là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia.

Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Năm 2019, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới: Khách du lịch quốc tế đạt 18 triệu lượt người; nội địa 85 triệu lượt người; tổng thu của ngành du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP.

Du lịch Việt cần làm gì để bứt phá, vượt Thái Lan, Singapore? - 3

Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, theo các chuyên gia du lịch cần một nhạc trưởng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo Báo cáo Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

"Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, du lịch là một điểm sáng, việc phục hồi, tập trung phát triển ngành công nghiệp xanh sẽ đóng vai trò như lực đẩy mạnh cho sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia", ông Lê Công Năng, CEO Wonder Group, nhận định.

Thái Lan, quốc gia có mức đóng góp của ngành du lịch cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 20% trước đại dịch COVID-19. Trong bối này khó khăn sau dịch, chính phủ Thái Lan đã xác định mục tiêu nâng mức đóng góp của du lịch lên 30% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, ngay trong năm 2023, liên tục các chính sách kích cầu, miễn visa đã được áp dụng. Thái Lan đã nâng thời gian miễn visa cho các quốc tịch đủ điều kiện từ 30 ngày thông thường lên 45 ngày; nâng thời hạn visa nhập cảnh tại cửa khẩu bay từ 15 lên 30 ngày và tăng tần suất chuyến bay; miễn thị thực cho du khách đến từ hai nước Trung Quốc và Kazakhstan kể từ ngày 25/9-2023 đến 29-2-2024 và ngay sau đó là Ấn Độ và Đài Loan từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024.

Thái Lan cũng chi ngân sách 16,5 triệu USD cho mùa cao điểm quốc tế quý 4/2023 và quý 1/2024 để thu hút khách… Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ nước này trực tiếp tham gia vào các hoạt động xúc tiến du lịch. Tính đến tháng 9/2023, Thái Lan đã đón 19 triệu lượt khách nước ngoài, gấp đôi Việt Nam.

"Du lịch được hầu hết các quốc gia xem như một lực đẩy cho sự phục hồi kinh tế và họ dồn nguồn lực đầu tư, đồng hành, thúc đẩy nó phát triển. Việt Nam không phải không nhìn thấy điều đó.

Những hành động tích cực để tháo gỡ khó khăn cho du lịch đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là chính sách thị thực mới từ ngày 15/8 vừa qua. Song nhìn lại, so với những quốc gia láng giềng, chúng ta vẫn đang thong dong đi dạo bộ, trong khi các bạn đã và đang chạy đua", ông Năng bình luận.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, du lịch có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp lớn cho việc phát triển bền vững cho nền kinh tế vì tác động đến thu nhập, GDP đầu người…

Do đó, không nên chỉ nhìn vào doanh thu thuế trực tiếp từ ngành du lịch, mà cần nhìn vào đóng góp gián tiếp của du lịch qua các ngành kinh tế khác cho nền kinh tế thì mới thấy được vai trò to lớn của du lịch.

Cũng theo ông Bích, ngành du lịch hiện vẫn còn tồn tại nhiều "điểm nghẽn", nhất là về chính sách. "Tổng cục Du lịch hiện thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chức năng nhiệm vụ đều ít đi, chỉ có vai trò chuyên môn, tư vấn chứ không có vai trò thực thi. Vậy thì, ai là nhạc trưởng để xây dựng chính sách, chiến lược và thực thi chính sách, phát triển du lịch, chiến lược marketing… Do đó, chúng ta đang thiếu nhạc trưởng để gắn kết các bên liên quan để cùng nhau phát triển".

Cũng theo chuyên gia này, Phú Quốc là câu chuyện điển hình khi làm du lịch "thiếu một nhạc trưởng". 

"Giá dịch vụ ở Phú Quốc cao nên du khách không đi, truyền thông không tốt nên có khách tẩy chay… Vấn đề là cần có nhạc trưởng tổng hợp được các bên tham gia liên quan đến du lịch để thống nhất chương trình hành động, kế hoạch khôi phục lại du lịch Phú Quốc, nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa làm được", ông Bích bày tỏ.

Để du lịch thực sự là đòn bẩy cho nền kinh tế và có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore... theo các chuyên gia sự vào cuộc của Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt cần thiết và quan trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm