Du lịch "không chạm" - Cứu cánh khôi phục "ngành công nghiệp không khói"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Để mở cửa đón khách trở lại, các chuyên gia cho rằng, đổi mới công nghệ áp dụng du lịch "không chạm" sẽ là cứu cánh khôi phục ngành này.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, đại dịch Covid-19 khiến du lịch trở thành một trong những ngành bị tê liệt và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Muốn mở cửa đón khách trở lại, giới chuyên gia cho rằng, đổi mới công nghệ, áp dụng du lịch "không chạm" sẽ là chìa khóa khôi phục.

Hiện ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào hệ thống công nghệ để xây dựng các thành phố thông minh, qua đó giúp thúc đẩy phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống người dân.

Nhằm phù hợp với xu hướng chung này, nhiều điểm đến du lịch hiện đang hiện đại hóa sử dụng công nghệ thông minh trong hoạt động của mình, trong đó bao gồm dịch vụ đặt phòng, phương thức thanh toán cho tới các hoạt động tương tác và quản lý tài nguyên.

Du lịch không chạm - Cứu cánh khôi phục ngành công nghiệp không khói - 1
Nhiều điểm đến trên thế giới đã và đang đổi mới công nghệ để áp dụng "du lịch không chạm".

Theo các chuyên gia, xu hướng ứng dụng công nghệ mới như du lịch không chạm trở thành điều tất yếu nhằm hạn chế sự tiếp xúc và ngăn ngừa dịch bệnh. "Không chạm" khi đi du lịch để hạn chế sự tiếp xúc con người với nhau, con người với các vật dụng bề mặt nhờ công nghệ tự động hóa.

"Không chạm" có thể trở thành xu hướng bắt buộc trong thiết kế lĩnh vực khách sạn trong tương lai. Thậm chí, việc tăng cường sử dụng công nghệ "không chạm" trong một loạt các hoạt động khách sạn có thể trở nên vĩnh viễn.

Một số lựa chọn đưa ra như du khách dùng dấu vân tay không tiếp xúc thay vì chìa khóa phòng, dùng mống mắt và nhận dạng khuôn mặt khi nhận phòng khách sạn...

Du lịch "không chạm" - "Cứu cánh" khôi phục "ngành công nghiệp không khói"

Châu Âu được đánh giá là khu vực có lợi thế và dẫn đầu trong xu hướng phát triển mới này.

Còn tại châu Á, nhiều điểm đến ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng đầu tư mạnh cho du lịch thông minh, từ áp dụng ví điện tử, mã QR, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo...

Những điểm đến này, du khách có thể dùng điện thoại thông minh để thao tác đơn giản như làm thủ tục tại sân bay, thanh toán tiền taxi, đặt bữa ăn, xác minh thời gian xếp hàng, tìm kiếm thông tin điểm đến du lịch mà họ ghé qua thông qua mã QR.

Du lịch không chạm - Cứu cánh khôi phục ngành công nghiệp không khói - 2
Quét mã QR ở các điểm đến để "không chạm".

Các chuỗi khách sạn lớn có thể hạn chế hơn nữa tần suất tiếp xúc con người với nhau bằng việc dùng robot dịch vụ. Dù đầu tư ban đầu rất tốn kém nhưng việc dùng các hình thức công nghệ tiên tiến cũng góp vai trò thành điểm hấp dẫn quan trọng với khách, đồng thời đảm bảo hoạt động du lịch trở nên an toàn hơn.

Ông Daniel Baron, Giám đốc điều hành của Lift Aero Design, một studio nội thất hàng không có trụ sở Tokyo, giải thích: "Du lịch không chạm hứa hẹn mang tới sự an tâm. Đó là trạng thái thậm chí không cần phải nghĩ tới vấn đề sạch sẽ, bởi tất cả quy trình được công nghệ giải quyết".

Du lịch không chạm - Cứu cánh khôi phục ngành công nghiệp không khói - 3
Tiêu chuẩn an toàn SG Clean là một trong những cách chính phủ Singapore bảo vệ du khách

Tại Singapore, quy trình "không chạm" dựa trên nền tảng công nghệ đang được ngành du lịch nước này nhân rộng.

Nhãn hiệu SG Clean hiện đang xuất hiện khắp nơi ở quốc gia này, trong đó, các cơ sở kinh doanh được xác nhận đạt chuẩn sạch sẽ và an toàn, vốn được xây dựng nhằm phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành du lịch toàn cầu trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhưng việc áp dụng đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa để các điểm đến trở thành nơi sạch sẽ, an toàn, mang tới sự an tâm cho du khách.