Đồng Tháp:
Du lịch Đồng Tháp phát triển khởi sắc
(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp cho biết, từ những chủ trương, Nghị quyết đúng đắn, kịp thời của Đồng Tháp và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, chỉ trong thời gian ngắn, tiềm năng du lịch Đồng Tháp dần lộ rõ. Từ chỗ chưa biết, ngày nay du khách mọi miền Tổ quốc và cả khách nước ngoài, có rất nhiều người đã đến tham quan trải nghiệm đất Sen hồng – Đồng Tháp ngày càng tươi đẹp, mến khách.
Phát huy tiềm năng
Đồng Tháp là vùng đất nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nơi đây hình thành hệ thống di sản văn hóa độc đáo mang dấu ấn của thời mở cõi, khẩn hoang và giao lưu văn hóa khu vực của cộng đồng các dân tộc bản địa và khu vực tác tạo trong điều kiện sinh thái Đồng Tháp Mười. Di sản văn hóa Đồng Tháp đa dạng về loại hình vật thể và phi vật thể; di tích lịch sử - văn hóa Đồng Tháp có giá trị nghệ thuật kiến trúc, mang dấu ấn giao lưu văn hóa thế giới, văn hóa tín ngưỡng dân gian, di sản lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh.
Đồng Tháp hiện có 85 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh. Hàng năm Đồng Tháp tổ chức 118 lễ hội từ tỉnh đến cơ sở. Các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh đã được các doanh nghiệp lữ hành khai thác, kết nối tour, tuyến phục vụ du lịch như Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Di tích lịch sử cấp quốc gia: Nguyễn Sinh Sắc, Xẻo Quít, Nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận, Chùa Kiến An Cung, Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Tràm Chim…
Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh như: Hò Đồng Tháp; đờn ca tài tử và làng nghề truyền thống: làng chiếu Định Yên; làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài, làng nghề dệt choàng Long Khánh, cũng được các doanh nghiệp lữ hành quan tâm, nghiên cứu định hướng đưa vào chương trình tour, tuyến phục vụ khách du lịch.
Tài nguyên du lịch Đồng Tháp ngày càng được đánh thức và khẳng định. Hiếm có tỉnh nào tại Đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh Đồng Tháp mà có 4 khu, điểm du lịch được Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL được công nhân là khu, điểm du lịch tiêu biểu của Đồng Bằng (Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc) ngày càng phát huy, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.
Đột phá ngoạn mục
Ngoài tiềm năng được khai phá, theo Sở VHTTDL Đồng Tháp còn cho biết, thời gian qua có rất nhiều công việc ngành du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả tạo đà cho du lịch Đồng Tháp ngày càng phát triển, từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, đến nay hình ảnh du lịch Đồng Tháp đã kết nối vươn xa, khẳng định được vị trí được nhiều tỉnh biết đến.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Đồng Tháp, giai đoạn 2016-2018, du lịch Đồng Tháp tạo được dấu ấn đột phá, không chỉ xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL về số lượng du khách mà còn phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay. Tổng lượng khách ước đạt 9.500.032 lượt, trong đó có 236.815 khách quốc tế; doanh thu gần 1.952 tỷ đồng.
Nhiều năm liền, Đồng Tháp tổ chức tuần lễ văn hóa du lịch để quảng báo, giới thiệu du khách trong và ngoài nước về con người, vùng đất sen hồng Đồng Tháp
Chỉ tính riêng năm 2018, du lịch Đồng Tháp, hai chỉ tiêu quan trọng là tổng thu từ du lịch và lượt khách đều tăng trưởng cao và vượt so với kế hoạch đề ra với hơn 3,6 triệu lượt du khách (chỉ tiêu Đề án Phát triển Du lịch là 3,5 triệu lượt vào năm 2020). Tổng thu từ du lịch đạt 913 tỷ đồng (chỉ tiêu của Đề án Phát triển Du lịch là 900-1.000 tỷ đồng vào năm 2020), đạt 117% kế hoạch năm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017.
6 tháng đầu năm 2019, du lịch Đồng Tháp đón 1.950.000 lượt du khách, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó có 45.000 khách quốc tế, tăng 49% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng Tháp có thế mạnh về du lịch di tích lịch sử
Không chỉ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu, hạ tầng giao thông, tỉnh Đồng Tháp từng bước được đầu tư chuẩn phục vụ khách du lịch. Tỉnh đang ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam… Thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng mặt đường và nâng tải trọng cầu, đảm bảo xe 45 chỗ đạt chuẩn du lịch vào tận nơi, lưu thông êm ái đồng bộ cả cầu và đường.
Các cơ sở lưu trú du lịch được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Tính đến 30/6/2019, toàn tỉnh có 90 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với trên 2.000 phòng. Trong đó có 38 cơ sở lưu trú đã được xếp loại hạng (942 phòng), với tổng số vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng.
Phấn đấu đón 5,1 triệu lượt khách
Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 05 năm (2021 - 2025), sẽ tiếp tục phát triển du lịch Đồng Tháp xứng tầm với tiềm năng, trên nền tảng phát huy tài nguyên văn hóa bản địa, nâng cao hình ảnh địa phương và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đất Sen hồng; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Gần đây những mô hình du lịch nông nghiệp rất được du khách ưa chuộng
Theo ông Thương, mục tiêu tỉnh phấn đấu thu hút 5,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 126.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm. Tổng thu du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.
Nhiều giải pháp được ngành du lịch Đồng Tháp đặt ra để định hướng phát triển như: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó hình thành hệ thống quản lý các khu điểm du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, hiện đại. Khảo sát, nghiên cứu hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch nông nghiệp, homestay, du lịch kết hợp nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề.
Không gian đơn ca tài tử được tái hiện trong tuần lễ văn hóa du lịch vừa qua
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, chú trọng tổ chức và tham gia các sự kiện, hội chợ triển lãm chuyên ngành, liên hoan du lịch trong và ngoài nước. Liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành cả nước; kết nối sự kiện chung giữa 03 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp-Long An-Tiền Giang) để quảng bá điểm đến, tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Tích cực xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó tập trung phát triển du lịch nông nghiệp sạch-công nghệ cao, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và hình thành các tour liên vùng. Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu điểm và các địa phương. Xây dựng các điểm nhấn, tạo sự khác biệt tại các điểm đến Gáo Giồng, Xẻo Quít, Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc…; phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nhất là các khu điểm du lịch Đồng sen Tháp Mười; vườn cây ăn trái, cồn Tân Thuận Đông. Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc, khu du lịch quốc gia.
Đồng Tháp phát triển 78 điểm du lịch cộng đồng rất thu hút du khách
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tập trung đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ còn yếu như hướng dẫn viên tại điểm, tiếp đón, phục vụ du khách cho nông dân, các trang trại, nhà vườn, trạm dừng chân, khu điểm du lịch. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại các điểm du lịch cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh.
Triển khai các dự án phát triển du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật chất lượng cao, hiện đại, đồng bộ; trong đó tập trung mời gọi đầu tư phát triển các dự án nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại hội nghị - hội thảo. Phát triển các cơ sở lưu trú du lịch gần gũi với thiên nhiên phục vụ loại hình du lịch sinh thái; đầu tư các công trình dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề truyền thống…
Đồng Tháp phát triển 78 điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách
Sản phẩm, dịch vụ du lịch được bổ sung và đổi mới thường xuyên, chất lượng ngày càng nâng cao. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân nào. Sau khi Đề án Phát triển Du lịch tỉnh giai đoạn 2015-2020 được ban hành, đến nay đã phát triển được 06 Homestay, 9 điểm du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, 02 điểm du lịch cộng đồng vườn trái cây kết hợp ăn uống, 17 điểm tham quan vườn cam, quít và thanh long, 1 Khu du lịch văn hóa Phương Nam, 01 khu vui chơi giải trí (Happy Land Hùng Thy), tổng giá trị đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay (31/8 - 2/9), lượng du khách đến Đồng Tháp đạt 46.787 lượt khách giảm 9,9 % so với cùng kỳ 2018. Tổng thu du lịch ước đạt 1.792 tỷ đồng giảm 15,89 % so với cùng kỳ 2018.
Nguyễn Hành - Nguyễn Toàn