Đối thoại hợp tác phát triển du lịch đường mòn Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Sáng 10/2, tại Trung tâm Văn hóa huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam, diễn ra Hội thảo “Đối thoại hợp tác phát triển du lịch đường mòn Hồ Chí Minh”.
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai Dự án phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm do UNESCO, ILO phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tham dự Hội thảo đại diện lãnh đạo chính quyền và ngành du lịch các địa phương liên quan, các chuyên gia du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, doanh nghiệp du lịch và báo, đài.
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó giám đốc Sở VH - TT-DL tỉnh Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh còn gọi là đường Trường Sơn - con đường huyết mạch nối liền Bắc Nam không chỉ có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu dấu những chiến tích lịch sử anh hùng của dân tộc; mà nơi đây còn là bảo tàng sống nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào ở địa phương.
Tuy nhiên cả ông Cường và ông Lê Hữu Minh - Phó Giám đốc Sở VH - TT - DL Thừa Thiên Huế đều nhìn nhận do nhiều nguyên nhân mà ngành du lịch các huyện miền núi chưa khai thác hết tiềm năng, cũng như chưa có liên kết chặt chẽ giữa các địa phương. Hội thảo lần này là dịp để đại diện chính quyền, đặc biệt là ngành du lịch các huyện đối thoại tìm hướng đánh thức tiềm năng và phát triển du lịch đường mòn Hồ Chí Minh.
Nhiều ý kiến của các đại biểu là doanh nghiệp du lịch tham dự Hội thảo cùng ý kiến với ông Nguyễn Đình Ân - Giám đốc công ty Huế Của Ta là các sản phẩm du lịch ở từng điểm dừng chân trên đường Hồ Chí Minh cần hạn chế tình trạng trùng lặp do đặc điểm tương đồng về địa hình tự nhiên và văn hóa bản địa. Không phải đến đâu cũng lại xem múa tung tung da dá, tìm hiểu nghề dệt, ăn cơm lam, bánh sừng trâu…
Mỗi điểm đến phải có những điểm nhấn riêng đem lại nhiều trải nghiệm phong phú cho du khách trên suốt hành trình. Đồng thời cần có nhiều thông tin chi tiết để du khách phân biệt những nét khác nhau trong văn hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ví dụ như hoa văn sản phẩm dệt Zèng ở A Lưới khác với dệt Za Ra ở Nam Giang như thế nào, múa tung tung da dá trong lễ hội khác với hát múa giao duyên của đồng bào Cơ Tu như thế nào.
Theo ông Dương Minh Bình - Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch phát triển cộng đồng, do người dân chủ yếu làm du lịch cộng đồng theo kiểu tự phát, thiếu chuyên môn nên còn đơn điệu. Để du lịch cộng đồng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách cần xây dựng những quy chuẩn về tiện nghi chỗ ở, ý thức bảo vệ môi trường, dịch vụ tham quan và làm sao để giữ được chất lượng lâu dài.
Làm sao xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng vừa có bản sắc văn hóa địa phương, có trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách. “Cải thiện môi trường sống để phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là nâng cao thu nhập cho đồng bào, mà còn là nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa”- ông Bình nói.
Trao đổi tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh lưu ý trong phát triển du lịch cộng đồng cần tập huấn kỹ năng đón tiếp du khách song song với giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng, tránh để làn sóng du lịch thương mại hóa đời sống văn hóa, sinh hoạt đời thường của người dân địa phương làm mất đi sự thân thiện thuần khiết của con người nơi đây.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) tại Hà Nội góp ý trong phát triển du lịch cộng đồng cần tránh những mô hình du lịch cộng đồng chỉ mang tính chất trình diễn, chứ không phải thực sự bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng để hấp dẫn du khách từ chính vốn có văn hóa tự nhiên.
Trong khuôn khổ Hội thảo, diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ đẩymạnh hợp tác phát triển du lịch giữa các huyện miền núi trên đường Hồ Chí Minh bao gồm huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) và các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam).
Theo đó, chính quyền địa phương và ngành du lịch các địa phương trên đã ký kết đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương thống nhất, phù hợp lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia; liên tổ chức quảng bá sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến với phương thức quảng bá chéo, nghĩa là tại mỗi điểm sẽ có thông tin quảng bá du lịch cho các điểm còn lại; trao đổi thường xuyên thông tin tình hình phát triển du lịch.
Khánh Hiền