Độc đáo lễ hội đấu bò ở làng Mudikadai Ấn Độ
(Dân trí) - Bang Tamil Nadu, Nam Ấn Độ, nổi tiếng với lễ hội đấu bò Jalikattu diễn ra tại tất cả các quận. Tuy nhiên, không phải ở đâu lễ hội cũng có những nghi thức giống nhau. Tại làng Mudikarai, quận Sivaganga, lễ hội đấu bò diễn ra với những màu sắc phong phú của văn hóa Tamil.
Lễ hội bắt đầu với nghi thức dân làng đến nhà vị trưởng làng để rước ông tới địa điểm rước tượng thần và ngựa. Trong những ngày lễ hội, trưởng làng được xem như là hiện thân của thần linh, thấu triệt ý chí của các vị thần, được ban nhạc truyền thống dẫn đường và có sự hộ tống của dân làng.
Họ dâng lên ông những vòng hoa quanh cổ, tiền và những chiếc khăn choàng có họa tiết truyền thống. Vị trưởng làng sẽ chủ trì những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội và cũng như đại diện về mặt hành chính cho ngôi làng.
Dân làng rước tượng thần và các động vật, chủ yếu là ngựa, bằng đất sét nung được vẽ màu sắc rực rỡ. Họ đốt pháo mở đường cho đoàn rước, tiếp đến là vị trưởng làng được hộ tống bởi các chức sắc, cuối cùng là tượng thần cưỡi ngựa, tượng hàng chục chú ngựa và bò.
Tượng được đặt trên bãi đất xung quanh sân đấu và sau đó được chuyển vào trong sân đền. Cứ 2 năm một lần, họ sẽ tổ chức lễ hội và thay thế tượng cũ bằng tượng mới, cầu chúc may mắn, sức khỏe và mùa màng bội thu cho dân làng.
Những tượng đất sét này được một số gia đình làm nghề truyền thống ở Mudikarai và một số ngôi làng lân cận thực hiện. Họ nặn tượng, phơi khô và đem nung, không tráng men. Sau đó, những người thợ sẽ tỉ mỉ vẽ màu lên tượng, thông thường theo những hình mẫu từ ngàn xưa, như tượng thần voi Ganesha, thần Murugan (con trai của thần Shiva), tượng ngựa chiến, tượng đàn ông và phụ nữ với trang phục truyền thống.
Lễ tế ở ngôi đền sẽ khởi đầu cho cuộc đấu bò. Người ta mang tới sợi thừng lớn được nhúng nước, sau đó lần lượt từng chú bò sẽ được dẫn vào đền để tiến hành nghi lễ cúi đầu trước thần linh và tròng sợi dây thừng vào cổ. Sợi dây thừng này sẽ được buộc vào đầu chú bò khi trận đấu diễn ra, để giữ nó không lao được ra khỏi đấu trường. Điều này rất khác so với lễ hội đấu bò Jalikattu vốn được biết đến rộng rãi, khi những chú bò không bị cột dây và chạy dọc theo một con đường định sẵn.
Những chú bò chiến đấu này được các gia đình nuôi dưỡng, không phải cày bừa hay kéo xe. Khi diễn ra lễ hội, họ mang bò tới sân đấu và sẽ được dân làng thưởng công. Ở Mudikarai, các chú bò đều không phải bò của làng mà ở các làng lân cận mang đến. Tín đồ Ấn Độ giáo không giết và ăn thịt bò. Bò cái cho sữa, thường được gọi trìu mến là Mẹ bò, bò đực kéo xe, cày bừa hoặc một số được huấn luyện làm bò chiến đấu. Trong Ấn Độ giáo, bò thần Nandi (bò đực) được thờ cúng rất phổ biến tại các ngôi đền.
Bò được cột dây thừng quanh cổ. Sợi dây thừng được cố định ở trung tâm và sâu dưới sân đấu hình tròn, có rào bảo vệ xung quanh. Nền sân đấu là đất nện.
Mội đội thi đấu có 9 chàng trai khỏe mạnh, không dùng bất kỳ công cụ hỗ trợ nào. Mỗi đội sẽ có 25 phút cho trận đấu để chinh phục chú bò. Mục tiêu của họ là phải hợp sức cùng nhau bắt được chú bò, giữ chắc đuôi, ôm được cái bướu trên vai bò và ghì chặt chú bò trong khoảng vài giây. Đội giành chiến thắng là đội bắt được bò sớm nhất trong thời gian quy định. Tại lễ hội năm nay (ngày 13 tháng 8/2017), có tổng cộng 6 chú bò và 6 đội đấu tranh tài.
Các đấu sĩ phải liên tục phối hợp cật lực, vừa tránh những cú húc cực mạnh của bò đực hung dữ, vừa phải lao đến tiếp cận để hoàn thành mục tiêu bắt bò. Dưới trời nắng nóng gần 40 độ C, công việc này không dễ dàng chút nào và không phải đội nào cũng bắt được bò.
Lễ hội bắt bò ở làng kết thúc trong niềm vui và những hy vọng về mùa màng bội thu, nơi vốn không có nhiều ưu đãi của thiên nhiên với khí hậu nắng nóng và lượng mưa không lớn.
Cuộc thi đấu còn là cơ hội cho thanh niên trai tráng phô diễn sức mạnh và sự dẻo dai, nhưng ít tính bạo lực. Người Ấn luôn luôn coi trọng bò, nguồn cung cấp sữa, sức kéo và được xem như những người bạn tốt của họ.
Nguyễn Duy Chinh
Từ Tamil Nadu, Ấn Độ