Độc đáo đặc sản “đèn pha đại dương” ở Phú Yên
(Dân trí) - “Đèn pha đại dương”, đó là cái tên mỹ miều mà người dân đặt cho món mắt cá ngừ đại dương, đặc sản có một- không- hai của vùng biển Phú Yên. Phần mắt cá tưởng như không có giá trị, nhưng đây lại là món ăn gắn liền với đời sống ẩm thực của người Phú Yên.
Phú Yên là vùng đất được biển cả hết mực ưu ái khi vừa có khung cảnh tuyệt đẹp lại có những món ăn vô cùng hấp dẫn. Nơi đây được ví như “thủ phủ cá ngừ đại dương” vì ngư dân làng biển Phú Câu (Tuy Hòa) là những người đầu tiên phát triển nghề câu loại cá này vào năm 1994.
Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50 ký, nên cầu mắt cũng khá to, có trọng lượng khoảng 100-200gr/ mắt. Ban đầu, khi làm cá, người ta thường bỏ mắt. Nhưng thấy mắt cá ngừ quá to, bỏ phí thì rất uổng nên người dân kì công tìm cách chế biến, cuối cùng đã làm nên một món ăn với hương vị độc đáo không nơi nào có được.
Tuy khiến nhiều thực khách e ngại vì hình dáng, thế nhưng, một khi đã thử qua món mắt cá ngừ, bạn chắc chắn sẽ còn mãi vương vấn. Số lượng mắt cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên chỉ đủ cung cấp cho các quán ăn địa phương, những nơi khác nếu có thì cách chế biến cũng khó lòng so bì.
Mắt cá có thể chế biến nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là tiềm thuốc Bắc. Thố tiềm phải là thố có miệng nhỏ, làm bằng đất sét mới có thể giữ được độ nóng ấm và hương vị của món ăn.
Khó nhất trong chế biến là việc khử mùi. Mắt cá ngừ tươi mang về được chần qua nước muối nấu sôi, sau đó rửa sạch, lấy các gân máu rồi mang đi hấp với lá dứa, sả, gừng để ngấm đủ mùi hương và giảm mùi tanh. Tiếp theo sau khâu khử mùi, mắt cá được ướp với các loại gia vị và một số vị thuốc Bắc.
Sau thời gian ướp chừng hơn 30 phút, mắt cá được xếp vào thố, trên cùng là hành lá cắt ngắn và hành tím cắt khoanh. Muốn thố mắt cá ngừ ngon hơn, nhiều đầu bếp còn chèn vào ít thịt hoặc lườn cá ngừ trước mang đi chưng cách thủy khoảng gần một giờ đồng hồ.
Do có vị tanh nên mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc nên được dùng lúc còn nóng. Tại Phú Yên, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi nên ít ai dùng với cơm trắng mà chỉ ăn kèm với cải bẹ xanh xắc nhuyễn, bánh đa nướng nóng giòn và chén nước tương cay.
Giữa tiết trời lúc nào cũng mát rượi nhờ gió biển thì việc húp một chút nước dùng, cắn một miếng táo tàu và thưởng thức mắt cá... sẽ khiến bạn cảm nhận rõ văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng.
Để giữ nóng lâu hơn cho món “đèn pha đại dương”, người ta thường để chiếc thố sành lên một đĩa sứ, chế vào đĩa một ít cồn rồi bật lửa cho cháy lên, tạo hình ảnh rất ấn tượng cho thực khách trước khi thưởng thức.
Mắt cá ngừ to gần bằng nắm tay người lớn, có vị béo dễ gây ngán nên người ăn khỏe lắm cũng chỉ dùng được chừng 2 phần. Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân địa phương, chỉ cần ăn một phần mắt cá là đã cảm nhận được nét độc đáo của món ăn này.
Trước đây, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi. Nhưng ngày nay, món ăn đã trở thành một trong những đặc sản hàng đầu mà Phú Yên giới thiệu với bạn bè khắp nơi. Du khách đến thăm thú Phú Yên, dù đi đến hàng quán vỉa hè hay các khách sạn năm sao, chỉ cần yên cầu món “đèn pha đại dương” thì đều có thể được đáp ứng. Trong các cuộc thi ẩm thực ở Phú Yên hàng năm, nhiều đầu bếp cũng đem đến cách chế biến mới lạ, độc đáo cho món ăn này.
Mắt của loài cá ngừ được ví như đèn pha của đại dương vì chúng có khả năng nhìn rất xa. Bên cạnh đó, món ăn có giá trị dinh dưỡng cao vì giàu omega3 và DHA, rất tốt cho mắt và trí não. Người kém thị lực hay có các bệnh về mắt nên ăn nhiều mắt cá ngừ đại dương kèm với gan của nó để chữa khỏi bệnh của mình.
Năm 2014, món cá ngừ đại dương của Phú Yên lọt vào top 10 đặc sản hải sản nổi tiếng của Việt Nam do Hội Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp