Độc đáo đặc sản "bánh tráng trăm năm" ở Bình Định

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo chị Thành, các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề làm bánh tráng ở Trường Cửu đã có từ hàng trăm năm trước. Đây là nghề mưu sinh chính của làng, nuôi lớn nhiều thế hệ người dân.

Thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định nhiều năm qua nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Các sản phẩm bánh mè nướng, bánh tráng nhúng, bánh tráng vuông cuốn chả ram… của thôn có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh và xuất đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thành (33 tuổi, thôn Trường Cửu) cho biết, gia đình chị có nghề làm bánh tráng truyền thống.

Nối nghiệp gia đình, 11 năm qua, chị Thành cũng mở xưởng sản xuất bánh tráng, nhận cung ứng sản phẩm truyền thống của làng cho những mối buôn lớn.

Độc đáo đặc sản bánh tráng trăm năm ở Bình Định - 1

Thôn Trường Cửu có nghề làm bánh tráng lâu đời.

 "Các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề làm bánh tráng ở Trường Cửu đã có từ hàng trăm năm trước. Đây là nghề mưu sinh chính của làng, nuôi lớn nhiều thế hệ người dân", chị Thành cho hay.

Cũng theo người phụ nữ này, trước đây, các gia đình trong làng làm bánh tráng theo phương pháp thủ công. Mỗi gia đình sẽ có một chiếc bếp lò. Khi tráng bánh, họ đặt lên bếp một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi.

Đợi nước sôi, người làm bánh sẽ múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy vung lại. Một lát sau, bánh chín sẽ được nhẹ nhàng nhấc ra rồi đem đi phơi nắng.

 Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhu cầu bánh tráng lớn cùng với sự cải tiến về kỹ thuật, nhiều hộ gia đình trong làng đã đầu tư mua máy móc để nâng cao năng suất.

Gia đình chị Thành cũng chi gần 300 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng và mua dàn máy tráng bánh. Nhờ vậy, mỗi ngày, họ sản xuất được 70-80 cây bánh (1 cây bánh gồm 35 ràng, nặng khoảng 38kg).  

Theo chị Thành, bánh tráng Trường Cửu được làm từ gạo, bột mì và mè đen hoặc mè trắng. Tùy từng loại bánh mà sẽ có cách pha chế bột khác nhau. Tuy nhiên, các loại bánh tráng đều có chung công đoạn ngâm gạo, xay gạo, pha bột, tráng bánh và đem phơi.

"Tôi thường ngâm gạo vào lúc 4h sáng, ngâm 1 tiếng sau đó đến 5h xay gạo, tráng bánh rồi đem phơi nắng khoảng 3 tiếng", chị Thành kể.

Bà chủ xưởng bánh tránh này cũng cho hay, để làm ra một chiếc bánh tráng ngon khâu quan trọng nhất là chọn được loại gạo ngon, bột pha phải đều, nếu không chiếc bánh sẽ bị chỗ dầy chỗ mỏng.

Sau khi tráng xong, bánh được đem phơi nắng để cho khô đều rồi đóng thành từng ràng.

"Người làm bánh tráng rất quan tâm đến thời tiết. Hôm nào trời nắng đẹp thì chỉ cần phơi bánh từ 7h đến 10h là đã có thể thu về. Hôm nào đang phơi bánh trời đổ mưa thì chúng tôi cực lắm, chất lượng bánh cũng sẽ bị ảnh hưởng", chị Thành cho hay.

Độc đáo đặc sản bánh tráng trăm năm ở Bình Định - 2

Người dân thôn Trường Cửu tận dụng mọi khoảng trống để phơi bánh (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường).

Anh Hồ Văn Dũng, người thôn Trường Cửu cho biết, bánh tráng là một món ăn dân dã gắn liền với người dân địa phương. Bánh tráng nướng là món quà ăn sáng, là món khai vị trong đám tiệc.

Với bánh tráng nhúng, nhiều người thích ăn kèm thịt heo, rau sống. Ngoài ra, người trong thôn còn làm ra loại bánh tráng vuông dùng để cuốn món chả ram tôm đất nổi tiếng.

Không chỉ gắn bó với đời sống ẩm thực của người dân địa phương, nhiều năm qua, bánh tráng Trường Cửu còn trở thành món quà đặc sản không thể thiếu với khách du lịch mỗi lần đến Bình Định.

Dù nghề làm bánh vất vả, phải dậy sớm "trông trời trông đất", hong khô từng mẻ bánh nhưng bao năm qua, những người dân Trường Cửu vẫn luôn bền bỉ gắn bó với nghề.

Nghề làm bánh tráng giúp họ gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời giúp nâng cao đời sống kinh tế của gia đình.