Doanh nghiệp lại “nhức đầu” về phí tham quan
(Dân trí) - Việc rục rịch chuẩn bị tăng giá vé tham quan ở một số điểm tham quan di tích gần đây tại Huế đang gặp phải phản ứng của nhiều hãng lữ hành.
Cụ thể vào tháng 4/2015,đối với Hoàng cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), giá vé người lớn là 210.000 đồng, trẻ em 60.000 đồng.Các khu di tích: Lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định giá vé người lớn là 150.000 đồng, trẻ em 40.000 đồng.
Các khu di tích: Lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, cung An Định, đàn Nam Giao, Kỳ đài Huế (trước đây không thu vé), điện Hòn Chén có giá vé người lớn 70.000 đồng, trẻ em 20.000 đồng.
Ông Trần Anh Giang, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt thẳng thắn cho rằng, thời buổi khó khăn khách ít mà giá vé tham quan tăng khiến các nhà kinh doanh dịch vụ càng thêm đau đầu.
Ông Giang lấy ví dụ, như tour đi Thái Lan giá hiện tại chỉ có 4,9 triệu đồng cho chuyến đi 5 ngày, 4 đêm, nhưng với giá tiền ấy khách không thể mua tour đi từ Hà Nội tới các điểm từ Đà Nẵng trở vào trong quãng thời gian 5 ngày 4 đêm như thế.
Hơn nữa, điều chỉnh thu tiền các tuyến điểm tham quan theo như thế sẽ đẩy chi phí lên cao. “Tôi cho rằng, trước khi ban hành quyết định cần tham khảo ý kiến doanh nghiệp. Nếu tăng giá vé nhưng cam kết cải thiện dịch vụ tốt hơn thì có thể chấp nhận Đằng này các dịch vụ các khâu vẫn thế không có gì thay đổi. Ngay cả cung cách phục vụ. Chỉ có giá thì cứ lên chứ chưa bao giờ thấy điều chỉnh xuống”, ông Giang chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, các điểm tham quan thực ra chỉ là “mồi nhử” du khách. Cái làm ra doanh thu chính là dịch vụ như nhà hàng, quán nước, mua sắm, khách sạn… Nhưng ở ta lại xem nặng doanh thu từ việc bán vé mà xem nhẹ phát triển dịch vụ.
Về nguyên lý, với việc tăng giá vé tham quan tại các di tích, danh thắng như hiện nay, để thu hút cả du khách trong và ngoài nước, các địa phương cần chú trọng hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ tính nguyên gốc của các di tích lịch sử. Trong đó bao gồm cả không gian lịch sử của di tích, danh thắng. Việc làm này sẽ góp phần nâng tầm giá trị của di tích đi kèm với việc tăng giá vé tham quan. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở rất nhiều nơi tại Việt Nam việc tăng giá vé không đồng nghĩa với việc cải thiện dịch vụ ở đó. Các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho ngành du lịch rất nghèo nàn, hầu như không có. Đó là chưa kể rất nhiều tồn tại lâu nay chưa được xử lý, như nạn chèo kéo, xin tiền, bán hàng rong.
Trong khi ngành du lịch mở chiến dịch kích cầu du lịch nội địa trong suốt thời gian qua với chủ đề “ người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” hay, “mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc” nhưng nếu nay rục rịch tăng vé, mai rục rịch tăng vé thì e rằng, mục tiêu kích cầu của chúng ta khó đạt hiệu quả.
“Không phải kích cầu để khách đi rồi tăng giá làm như thế khác gì lừa người dân” – đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội bức xúc.
Theo tính toán của các doanh nghiệp việc tăng giá vé tham quan sẽ xảy ra hai tình huống: một là đánh vào túi tiền của khách nếu doanh nghiệp lữ hành chơi bài “nước nổi bèo nổi”, hai là đánh vào túi tiền doanh nghiệp lữ hành nếu họ giữ nguyên giá bán để lấy thương hiệu. Trước tình thế này nhiều doanh nghiệp đã tính nước “tiêu cực” quay sang bán khách out bound. Vì là vừa dễ bán hơn nữa lại có lãi lại không phải đàm phán với các đối tác khác để giữ nguyên giá tour.
Anh Nguyễn Trung Đức, Phụ trách thị trường outbound, Công ty Du lịch Viettime Travelcho rằng, chắc chắn sau khi tăng giá các các điểm thăm quan không chỉ lượng tour bán ra tại các doanh nghiệp sẽ bị ngưng trệ mà lượng khách du lịch tự túc cũng giảm hẳn.
“Hẳn như việc tăng giá vé như ở Tuần Châu khách còn chấp nhận được bởi khách xác định được mục đính của việc tăng giá vé là gì. Ở Tuần Châu giá vé tăng từ 120.000 đồng/người lên đến 200.000 đồng/người nhưng khách được hưởng nhiều dịch vụ hơn. Trước kia với 120 ngàn khách vẫn phải vào mua thêm vé xem cá heo, còn giờ với 200 ngàn khách được chơi và tham dự gần như hết các dịch vụ trong đó. Nếu như việc tăng giá vé ở Huế hay ở một số nơi khách được du khách biết và thấy được mục đích thì có lẽ sẽ rất bình thường và được sự thông cảm”, anh Đức chia sẻ.
Lộ trình tăng giá không đảm bảo, chắc chắn sẽ gây những khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch và cả người dân. Đứng ở góc độ lợi ích tạm thời thì nhiều doanh nghiệp sẵn sang bỏ tuyến ấy. Như vật việc tăng giá vẽ vội vàng sẽ lợi bất cập hại. Lộ trình đón 10 triệu lượt khách vào năm 2020 của ngành du lịch Việt Nam sẽ rất xa vời, nếu như chúng ta cứ kinh doanh theo kiếu “ăn xổi” như thế.
Minh Phan