Đi săn thất bại, hổ mẹ kịp về hang cứu đàn con khỏi móng vuốt gấu lợn
(Dân trí) - Để kiếm mồi, hổ mẹ đành bỏ mặc đàn con trong hang. Nhưng một ngày đi săn thất bại, nó vừa không kiếm được gì, vừa phải vội trở về hang cứu con khỏi móng vuốt của gấu lợn.
Đoạn video ngắn do đoàn làm phim của BBC Earth thực hiện, ghi lại khoảnh khắc thường nhật của một con hổ trong khu bảo tồn Bandhavgarh, Ấn Độ, thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi.
Để kiếm mồi, hổ mẹ đành bỏ mặc đàn con ở lại trong hang. Đó là một con hổ cái chưa có kinh nghiệm đi săn. Tuy vậy, con mồi của nó vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Rất may, hổ biết ngụy trang, đứng lẫn trong đám cỏ khô, rình rập chờ chớp thời cơ.
Tưởng chừng "cơ hội vàng" đã tới, hổ cái từ trong bụi lao ra ngoài khiến đàn hươu vội vã chạy biến. Con vật đứng trơ trọi giữa đồng cỏ mà chưa được "miếng nào". Trên thực tế, ngay cả có kinh nghiệm, phần lớn những cuộc đi săn của hổ cái đều kết thúc như vậy. Giờ đây, nó rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Khi bỏ ra ngoài đi săn, việc để lại con non một mình trong hang là điều rất nguy hiểm. Một con gấu lợn với móng vuốt sắc nhọn đã mò tới hang hổ, lùng sục kiếm mồi ăn. Chỉ cần tìm thấy hổ con, chúng sẽ thành "bữa ăn" ngon lành của gấu lợn.
Sau một buổi đi săn thất bại, hổ mẹ vội vã trở về hang để kiểm tra đàn con. May mắn hổ mẹ đã trở lại kịp thời. Thấy bóng dáng của nó, gấu lợn vội vàng lỉnh đi mất.
Nhận thấy chiếc hang này không còn an toàn nữa, hổ mẹ phải tìm cách đưa đàn con tới nơi ở mới. Nó dùng miệng gắp từng đứa con của mình, di chuyển ra nơi khác để nguy hiểm không còn rình rập nữa.
Gấu lợn hay còn gọi là gấu lười, vốn là loài gấu ăn đêm với lông rậm, sống tại những cánh rừng đất thấp ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka. Chúng chủ yếu ăn kiến và mối, nhưng khi cần thiết có thể ăn mật ong, hoa quả và thịt.
Kẻ thù chủ yếu của chúng là chó sói, hổ, báo hoa mai và cả con người. Do con người bắt chúng để lấy mật. Đôi khi loài này cũng bị bắt để sử dụng vào mục đích giải trí trong các rạp xiếc.
Vườn quốc gia Bandhavgarh với diện tích lên tới 105 km2, nằm ở bang Madhya Pradesh. Nơi này trở thành khu bảo tồn loài hổ vào năm 1993. Nơi đây rất đa dạng sinh học, với mật độ quần thể hổ lớn và là một trong những nơi có mật độ cao nhất trên thế giới.
Hiện khu bảo tồn Bandhavgarh có ít nhất 124 cá thể hổ còn sống ở đây. Năm 2021, các nhân viên đếm được 41 con hổ non đang sinh sống. Ngoài ra, Bandhavgarh còn có quần thể lớn báo hoa mai cùng nhiều loài hươu khác nhau.