Đến Đắk Nông nghe tiếng thác đổ
(Dân trí) - Có những dòng thác như dải lụa trắng, đổ ào ào, mạnh mẽ, lẫn trong làn khói nước mờ ảo tạo nên khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ. Lại có những dòng thác, luồn lách qua những khối đá xù xì, chảy êm đềm, mềm mại như tơ…
Đắk Nông không chỉ có “tiếng cồng chiêng rộn rã ngân xa”, bạt ngàn cao nguyên, rừng già mà còn nổi tiếng với những thác nước hùng vĩ, mê hoặc lòng người. Khi mùa mưa vừa kết thúc, sông hồ đầy ắp nước trời, những dòng thác tràn đầy nguồn sống, tuôn chảy mạnh mẽ suốt ngày đêm. Đến Đắk Nông ngắm thác thời điểm này có lẽ là hợp lý nhất.
“Âm thanh kỳ diệu giữa đại ngàn”
Nằm cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 10 km, theo Quốc lộ 28 hướng về Lâm Đồng, là một trong những dòng thác nổi tiếng, hùng vĩ bậc nhất Đắk Nông. Thác Liêng Nung (còn gọi là thác Diệu Thanh) bao năm qua được đồng bào Mơ Nông, Mạ buôn N’Jiêng, xã Đắk Nia coi như một biểu tượng tình yêu bất diệt, đau thương của chàng K’Ẹ và nàng H’ Dệt.
Từ xa đã nghe tiếng dòng thác lấy nước từ thượng nguồn hồ Đắk Nia đổ ầm ầm, dữ dội. Đến gần hơn, dòng thác ấy như dải lụa trắng, vắt qua vách núi, dội thẳng lên những hòn đá nhấp nhô, tròn như ngọc. Khói nước nhẹ nhàng tỏa khắp không gian, thấm vào da thịt ướt át, dịu êm. Cả vùng rừng núi bao la bây giờ chỉ còn tiếng thác đổ, độc tấu khúc nhạc đại ngàn.
Theo người dân địa phương, dòng thác cao 30 m này chưa bao giờ cạn, kể cả những năm mùa khô diễn ra khốc liệt nhất. Nổi tiếng là dòng thác linh thiêng, ăn sâu vào tâm thức của người bản địa nên mỗi khi có việc trọng đại, dân làng lại lấy nước từ dòng thác này về nấu cơm nếp, rượu cần.
Hiện tại, tỉnh Đắk Nông đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm đưa địa danh này vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, đến với thác Liêng Nung thời điểm này, du khách có thể thong dong trên con đường đất đỏ, uốn lượn quanh những quả đồi dẫn xuống tận chân thác.
“Người đẹp Đắk G’Lun”
Một “dải lụa trắng” huyền ảo khác của cao nguyên Đắk Nông là dòng thác Đắk G’Lun (còn gọi là thác 72). “Người đẹp Đắk G’Lun” nằm ẩn mình trong những cánh rừng rậm rạp, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa gần 60 km, thác được người dân xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức gắn cho một truyền thuyết về mối tình thủy chung của đôi trai gái Mơ Nông. Chính vì vậy, ngày nay vẫn còn những cặp tình nhân chọn đây là nơi hò hẹn.
Giữa những tán bằng lăng cổ thụ, thác 72 tuôn chảy tựa như mái tóc của người thiếu nữ, óng ả và mềm mại. Đổ xuống từ độ cao 50 m, dòng thác tạo ra hàng triệu bọt nước trắng xóa, lấp lánh như những viên pha lê. Trong ánh nắng ban mai, những chiếc cầu vồng thoắt ẩn, thoắt hiện làm khung cảnh trở nên thần tiên, kỳ diệu.
Xung quanh thác, những đám rêu xanh mướt mát càng khiến nơi này trở nên huyền ảo, quyến rũ. Đắm mình trong dòng nước mát lạnh, thanh khiết của dòng thác ấy, bất chợt câu thơ của nhà thơ Đường Lý Bạch lại văng vẳng bên tai: “Nước bay thẳng xuống ba ngàn thước/ Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây”.
Thác Lưu Ly
Đến thăm thác Lưu Ly (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) vào một ngày cuối tuần, cả khu du lịch rộng hàng trăm ha rợp bóng cây xanh. Hai bên con đường dẫn xuống thác hàng chục gốc cây cổ thụ mấy người ôm tỏa bóng mát rượi.
Không ồn ào, dữ dột như thác Liêng Nung hay Đắk G’Lun, không gian xung quanh thác Lưu Ly lại tĩnh lặng, thơ mộng, êm đềm. Tiếng thác chảy róc rách, hòa lẫn với tiếng chim rừng, tiếng gió xôn xao khẽ lùa qua những kẽ lá khô… khiến những ai đặt chân đến đây cũng tìm thấy sự thư giãn, khoan khoái nhất.
Cách đó không xa là Khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên. Sau khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của một trong những thác đẹp nhất Đắk Nông, đến với Thiền viện, du khách sẽ tận hưởng sự tĩnh tại, yên bình như chốn bồng lai.
Năm 2010, điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, và khu tâm linh Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên đã được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch là một trong số các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây được coi là điểm nhấn trên hành trình khám phá “con đường xanh Tây Nguyên.”
Dương Phong