Đà Nẵng nói gì về tranh cãi phố đi bộ bị ví là "phố nhậu" vì gắn logo bia
(Dân trí) - Phố đi bộ Bạch Đằng (Đà Nẵng) sắp đưa vào hoạt động nhưng vấp phải tranh cãi khi một số điểm có gắn các logo bia. Đơn vị tổ chức đã tiếp thu ý kiến và nghiên cứu để có phương án điều chỉnh phù hợp.
Phố đi bộ Bạch Đằng, kéo dài từ đoạn giao với đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC (quận Hải Châu), đã thành hình và dự kiến khai trương vào ngày 7/6. Với chiều dài hơn 1km, phố đi bộ này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả người dân địa phương và du khách.
Theo thông tin từ quận Hải Châu, phố đi bộ Bạch Đằng sẽ có 3 cụm quầy bán hàng di động với 12 quầy trên toàn tuyến vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng. Ngoài ra, còn có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 phương tiện trên làn xe phía đông, vị trí xe xen kẽ nhau.
Quận Hải Châu cũng sẽ bố trí nhiều điểm check-in, không gian sinh hoạt cộng đồng, ghế đá, trạm phát wifi miễn phí và trang trí đèn chiếu sáng nghệ thuật. Chính quyền địa phương kỳ vọng đây sẽ là điểm tham quan, mua sắm mới đầy hấp dẫn tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
Hiện tại, các mô hình và tiểu cảnh tại phố đi bộ đã cơ bản hoàn thành. Các công nhân đang tích cực hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã nảy sinh tranh cãi về việc xuất hiện hình ảnh chai bia và logo của một hãng bia tại các điểm check-in. Một số người cho rằng điều này không phù hợp với hình ảnh của phố đi bộ.
Anh P.H.L. bày tỏ: "Phố đi bộ Bạch Đằng là phố đi bộ đầu tiên của thành phố sắp khai trương, tuy nhiên cần phải làm rõ đây là phố đi bộ hay "phố đi nhậu" mà điểm check-in nào cũng gắn bia". Anh L. đề xuất cần có cách "chèn" quảng cáo thẩm mỹ và tinh tế hơn.
Một số ý kiến khác lại cho rằng hình ảnh một thương hiệu bia của địa phương từ xa xưa và có quyền được quảng cáo. Tuy nhiên, cần bài trí hài hòa, không lấn át biểu tượng của thành phố.
Ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hải Châu, cho biết: "Phố đi bộ Bạch Đằng không đặt nặng vấn đề kinh doanh, mà sẽ dành không gian cho du khách, người dân vui chơi, giải trí. Nơi đây chỉ bố trí các gian hàng để phục vụ du khách khi trải nghiệm".
Theo ông Dũng, phố đi bộ Bạch Đằng được đầu tư khoảng 13 tỷ đồng, dùng hoàn toàn bằng nguồn ngân sách. Hai đơn vị đã tài trợ 3 tỷ đồng để đầu tư các điểm check-in, sạc điện, ghế đá…
Ông Dũng cũng nhìn nhận việc đặt logo nhãn hàng là để tài trợ, xã hội hóa để giảm bớt kinh phí đầu tư từ ngân sách. Tuy nhiên, vị trí đặt logo có thể chưa phù hợp và địa phương này sẽ nghiên cứu, điều chỉnh.
Ông Dũng kết luận: "Việc này quận sẽ tiếp thu ý kiến dư luận và nghiên cứu có điều chỉnh để phù hợp, nhằm mang lại dịch vụ, tiện ích tốt nhất cho người dân và du khách".