Quảng Nam:
Cuộc thi mì quảng ở ngôi làng được xem là sản sinh ra món ăn này
(Dân trí) - Du khách thích thú khi được trải nghiệm "Ngày hội mì quảng" lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Nam.
Làng Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được xem là một trong những "chiếc nôi" của mì quảng.
Phần lớn con gái trong làng ngày xưa lớn lên đều theo nghề, con gái nơi khác về làm dâu trong làng được truyền "bí kíp" nấu mì quảng ngon trứ danh của làng Thanh Chiêm.
Đến nay, làng Thanh Chiêm có hàng trăm hộ dân mưu sinh với nghề bán mì quảng. Sở dĩ gọi là mì "có chân" bởi hàng ngày những nồi mì ấy vượt hàng chục cây số từ làng đến tận các thành phố lớn lân cận như Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) và ra tận Đà Nẵng.
Ngày hội mì quảng lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề "Tinh hoa mì quảng Phú Chiêm" diễn ra từ ngày 5-7/8 tại làng Thanh Chiêm do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Ngày hội mì quảng là hoạt động hưởng ứng các sự kiện lớn về du lịch, văn hóa của tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn năm 2022 như Năm du lịch quốc gia với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", kỷ niệm 420 năm thành lập Dinh trấn Quảng Nam (Thanh Chiêm).
Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ, bảo tồn món ăn đặc sắc, mang hương vị đặc trưng riêng của xứ Quảng, nhằm tôn vinh mì quảng và các nghệ nhân làng nghề Phú Chiêm nói riêng và xứ quảng nói chung trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển mì quảng.
Điểm nhấn chính của ngày hội là 20 nghệ nhân nấu mì Phú Chiêm được tuyển chọn từ hàng trăm hộ nấu mì quảng ở Điện Phương và các xã lân cận vào vòng chung kết diễn ra trong 3 ngày đã nấu mì quảng tại chỗ để trình diễn và phục vụ du khách có thể thưởng thức và bình chọn.
Ngoài hội thi mì quảng, còn có cuộc thi "Ảnh nghệ thuật về mì quảng" và cuộc thi "Sáng tác thơ lục bát về mì quảng".
Tại ngày hội, Ban tổ chức cũng đã ra mắt tập sách "Mì Quảng: Tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực", chương trình giao lưu mì xứ quảng và mì Nhật Bản và một số hoạt động khác như trưng bày sản phẩm tiêu biểu của xã Nông thôn mới (OCOP), trò chơi dân gian, trải nghiệm canh nông.
Ông Lê Anh Dũng - Trưởng ban tổ chức - cho biết với ngày hội mì quảng lần thứ nhất - 2022, ban tổ chức mong muốn tạo điều kiện, cơ hội cho làng nghề, địa phương trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống; cho các nhà nghiên cứu, học giả tiếp tục đóng góp những công trình nghiên cứu, tác phẩm về mì quảng.
Và đặc biệt các nghệ nhân, doanh nghiệp tiếp tục bảo tồn, quảng bá, giới thiệu tô mì rộng rãi trên toàn quốc và ra thế giới; đồng thời xây dựng một điểm đến, điểm du lịch văn hóa, làng nghề góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, kết nối giữa di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.
"Chúng tôi mong muốn thông qua cuộc thi có thể tìm ra tinh hoa của tô mì quảng, động viên người nấu mì tiếp tục phát huy tay nghề để đưa món ăn dân dã này trở thành thương hiệu quốc gia. Qua đó, xây dựng thương hiệu mì Phú Chiêm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia", ông Lê Anh Dũng nói thêm.