Cuộc sống ở nơi ẩm ướt nhất thế giới gần như ngày nào cũng có mưa
(Dân trí) - Đây là vùng đất được mệnh danh ẩm ướt nhất thế giới bởi có mưa liên tục khi gió mùa về.
Ngôi làng nhỏ Mawsynram nằm ở vùng đông bắc Ấn Độ được coi là vùng đất ẩm ướt nhất thế giới và đã được Tổ chức kỷ lục Guiness thế giới công nhận.
Do địa thế nằm trên một sườn núi ở phía đông bắc Khasi nơi có độ cao khoảng 1.490 m so với mực nước biển, làng Mawsynram gần như hứng chịu những trận mưa quanh năm, với lượng mưa trung bình mỗi năm lên tới 11.872 mm.
Sở dĩ xảy ra hiện tượng này do các luồng không khí quét qua vùng đồng bằng lũ lụt ở Bangladesh mang theo hơi ẩm về phía bắc. Khi qua vùng đồi Mawsynram, những đám mây gây mưa liên tục trong khu vực.
Do lượng mưa khổng lồ, vùng đất này luôn trong trạng thái ẩm ướt và xuất hiện nhiều thác nước. Bên cạnh đó là những hang động đá vôi kỳ ảo với thảm thực vật phát triển.
Mùa mưa đặc trưng hàng năm ở Mawsynram diễn ra trên diện rộng. Khoảng 90% lượng mưa quanh năm quan trắc được trong thời gian này. Suốt nửa năm từ tháng 5 tới tháng 10 là mùa mưa, trong đó, tháng 7 thường là tháng mưa nhiều nhất, với lượng mưa trung bình lên tới 3.500 mm.
Theo mô tả, khi mùa mưa tới, tiếng mưa rơi xuống gây ra âm thanh ồn ào tới mức học sinh không thể nghe thấy tiếng giáo viên giảng bài. Nhằm giảm tiếng ồn, người dân tại đây đã nghĩ ra cách lót những lớp cỏ dày lên mái.
Để thích nghi với cuộc sống ở nơi ẩm ướt như vậy, cư dân trong vùng quanh năm suốt tháng gắn bó với chiếc ô lớn đan bằng ống tre còn gọi là "knups". Vật dụng này khá hữu ích, giúp họ chống lại những cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống, thay vì phải mặc áo mưa.
Do mưa quá nhiều nên việc trồng trọt gần như không khả thi. Người dân tại đây thường nhập các sản phẩm rau củ từ những vùng thời tiết khô ráo hơn về bày bán trong chợ có mái che.
Và để thuận tiện hơn cho việc đi lại hàng ngày, người ta đã nghĩ ra giải pháp tình thế. Đó là buộc những rễ cây cổ thụ lớn lại với nhau thành cây cầu có cấu trúc bền vững, đủ sức chống chọi với kiểu tiết trời ẩm ướt.
Đó là cây cao su Ấn Độ (Ficus elastica) có chùm rễ thứ cấp rất dẻo dai, chắc khỏe. Chúng mọc buông xuống từ các cành cây.
Qua đó, người dân tận dụng để buộc nối lại với nhau, luồn qua những thân cây rỗng ruột, "nắn" rễ mọc bắc dài từ bên nọ sang bên kia bờ sông. Sau đó, rễ cây được bắt và phần khung cầu bằng tre. Khi mọc lan sang tới bờ đối diện, những rễ cây này sẽ càng trở nên chắc khỏe hơn.
Được biết, một cây cầu "lão làng" lâu đời nhất bằng rễ cây tại đây có tuổi đời trên 500 năm.
Tuy cuộc sống ở Mawsynram gặp khá nhiều trở ngại, nhưng cũng chỉ ở nơi ẩm ướt nhất thế giới này, du khách mới được chiêm ngưỡng cảnh mây cuộn tròn bên vách núi thẳng đứng hoặc mây "bay thẳng" vào nhà. Thậm chí, có người cho biết họ dường như có thể chạm, ngửi thấy "mùi mây" mà không đâu có được.