1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Cuộc sống khác biệt ở hòn đảo muốn mua tã lót, quần áo cũng là vấn đề

Huy Hoàng

(Dân trí) - Ở hòn đảo nhiệt đới với hệ sinh thái vô cùng đa dạng này, mọi điều đều lạ lẫm với du khách lần đầu ghé thăm.

Vùng đất thần tiên với nhiều điều khác biệt

Đảo Giáng sinh là một lãnh thổ hải ngoại của Australia, cách thủ phủ Perth khoảng 3,5 giờ bay về phía tây bắc. Hòn đảo có diện tích tương đối nhỏ nhưng gây ấn tượng bởi những rạn san hô phát triển mạnh cùng hơn 250 loài đặc hữu.

"Vùng đất này rất đặc biệt. Chúng tôi có một cộng đồng sôi nổi ở nơi nhỏ bé và biệt lập", Sook Yee Lai, một cư dân sống trên đảo, chia sẻ.

Cuộc sống khác biệt ở hòn đảo muốn mua tã lót, quần áo cũng là vấn đề - 1
Một góc không gian bình yên trên đảo Giáng sinh (Ảnh: Travel).

Cô rời đảo chuyển tới Perth sinh sống từ khi 15 tuổi để hoàn thành chương trình học, nhưng vẫn thường xuyên quay lại quê nhà làm việc, thăm gia đình bạn bè thời thơ ấu.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2021, trong tổng số khoảng 1.700 cư dân trên đảo, khoảng 22% có tổ tiên người Hoa, 17% người Australia, 16,1% người Mã Lai, 12,5% người Anh và 3,8% người Indonesia.

Với sự đa dạng dân số như thế, du khách tới đảo có thể nghe người dân hàng ngày nói nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Anh, tiếng Malaysia, tiếng Quan Thoại cho tới tiếng Quảng Đông.

Hiện 64% diện tích đảo là đất của công viên quốc gia được bảo vệ. Đây là nhà chung quan trọng của nhiều sinh vật, từ cua dừa khổng lồ tới chim bồ câu hoàng đế Christmas.

Cuộc sống khác biệt ở hòn đảo muốn mua tã lót, quần áo cũng là vấn đề - 2
Hàng triệu con cua đỏ trên đảo vào mùa di cư (Ảnh: BBC Earth).

Nhưng hấp dẫn hơn cả phải kể tới cuộc di cư nổi tiếng của loài cua đỏ thường diễn ra vào đầu tháng 11 hàng năm. Đây cũng là thời điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tới đảo. Ước tính trong khoảng thời gian này, từ 40 triệu đến 50 triệu con cua đỏ "diễu hành" trên đảo. Chúng bò trên đường, mọi ngóc ngách và phủ kín các bãi biển trong sắc đỏ.

"Cảnh tượng ngoạn mục như thể có hàng triệu con nhện nhỏ li ti xuất hiện khắp nơi", Lai mô tả.

Người dân tại đây thường dùng cào để nhẹ nhàng quét chúng ra khỏi đường. Thậm chí, chính quyền địa phương đã xây dựng đường đi riêng dành cho cua, tránh để chúng bị tổn thương.

Du lịch trên đà phát triển

Trong thời thuộc địa và Thế chiến II, kinh tế hòn đảo dựa trên hoạt động khai thác mỏ phốt phát. Nhưng khi các khu mỏ cạn kiệt, chính quyền địa phương chuyển hướng sang du lịch bền vững.

Cuộc sống khác biệt ở hòn đảo muốn mua tã lót, quần áo cũng là vấn đề - 3
Hòn đảo đang định hướng phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn (Ảnh: Planet).

Các chuyên gia nhận định, đây là ngành đang đi lên ở đảo Giáng sinh. Theo báo cáo thường niên 2020-2021 của Hiệp hội du lịch đảo Giáng sinh, khoảng 1.160 du khách tới đây vào năm 2017 đã tăng lên khoảng 3.000 khách vào năm 2021.

"Chúng tôi chứng kiến lượng lớn khách du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Nhiều người tới đây muốn tận hưởng thiên nhiên, ngắm chim và lặn biển. Hòn đảo sở hữu rạn san hô với nguồn sinh vật biển phong phú và nước ấm quanh năm", Lai nói.

Những thách thức

Dù có thế giới thiên nhiên tươi đẹp hiện ra trước mắt, nhưng cuộc sống trên đảo Giáng sinh được đánh giá "không phải lúc nào cũng dễ dàng".

"Khó khăn lớn nhất là chi phí đi lại. Chúng tôi phải chi rất nhiều tiền khi bay vào đất liền", Amanda Clarke, một cư dân sống trên đảo, cho biết.

Cuộc sống khác biệt ở hòn đảo muốn mua tã lót, quần áo cũng là vấn đề - 4
Hoạt động lặn biển rất thu hút khách du lịch (Ảnh: TripAdvisor).

Hãng Virgin Australia chỉ cung cấp 2 chuyến bay mỗi tuần giữa đảo Giáng sinh và thành phố Perth. Nhưng những chuyến như thế thường xuyên bị hoãn hủy do thời tiết khiến giá vé tăng cao.

Bên cạnh đó, việc mua sắm quần áo, tã lót cũng như thực phẩm cũng là vấn đề.

"Vào những dịp lễ tết lớn như Giáng sinh, chúng tôi phải lên kế hoạch trước 3 tháng để quà kịp đến tay. Khi bọn trẻ còn nhỏ, tôi luôn phải đặt cỡ tã lót lớn hơn vì hàng hóa vận chuyển thường xuyên đến chậm", một cư dân trên đảo có tên Taylor, nói.  

Và nguồn thực phẩm chính của đảo đến từ nhập khẩu. Người dân phải chờ tàu thủy đưa hàng tới với tần suất 6-8 tuần/lần. Tuy nhiên, nếu gặp phải thời tiết bất lợi, hàng có thể đến chậm hơn dự kiến. Còn nếu mua hàng theo đường hàng không, giá cả sẽ đắt gấp đôi.

Bất chấp những khó khăn, Lai nhận thấy cuộc sống ở đảo rất yên bình và gắn kết. "Chúng tôi sống hòa thuận bên nhau. Mọi người đều có cảm giác mất mát khi ai đó rời đi hoặc qua đời", cô nói.